Tìm kiếm giải pháp pháp lý và chính trị ở biển Đông

Ngày 3-10, tại Trung tâm Quốc tế (IIC) ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, đã diễn ra hội thảo “Tình trạng phức tạp ở biển Đông: Tìm kiếm một giải pháp pháp lý và chính trị”, do Hội nghiên cứu Ấn Độ Dương (SIOS) tổ chức. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cùng nhiều cán bộ, nhân viên Đại sứ quán tham dự.

Ngày 3-10, tại Trung tâm Quốc tế (IIC) ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, đã diễn ra hội thảo “Tình trạng phức tạp ở biển Đông: Tìm kiếm một giải pháp pháp lý và chính trị”, do Hội nghiên cứu Ấn Độ Dương (SIOS) tổ chức. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cùng nhiều cán bộ, nhân viên Đại sứ quán tham dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký SIOS, Giáo sư Baladas Ghoshal đã nêu khái quát về tình hình hiện nay ở biển Đông, trong đó đề cập đến tầm quan trọng về kinh tế, chiến lược của khu vực này cũng như những căng thẳng liên quan đến các hoạt động xây dựng đảo và tăng cường quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông.

Hội thảo tập trung thảo luận 2 chủ đề là “Phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Haye, Hà Lan: Ý nghĩa đối với cuộc tranh chấp ở biển Đông” và “Điều gì tiếp theo sau phán quyết - Một số giải pháp có thể kiềm chế tình hình”.

Phần lớn đánh giá, phân tích của các diễn giả tham dự hội thảo đều phản ánh những diễn biến hiện nay tại biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Haye và cho rằng phán quyết này mang tính lịch sử, khi bác bỏ tuyên bố “chủ quyền lịch sử” và yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Nhiều học giả nhất trí rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài cần được các bên liên quan tuân thủ và tôn trọng triệt để.

Trong diễn biến liên quan, theo Tân Hoa xã, Trung Quốc vừa đưa vào sử dụng một nhà máy khử mặn có công suất 1.000 tấn/ngày tại cái gọi là thành phố Tam Sa, thuộc đảo Phú Lâm ở biển Đông. Bắc Kinh gần đây liên tục xây dựng các cơ sở hạ tầng, thành lập cơ quan lập pháp, tiến hành bầu cử và thực hiện tuần tra trái phép ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục