Tìm lại giấc mơ - Hành trình trên nước Mỹ

Thời gian qua, trên thị trường sách xuất hiện khá nhiều các tác phẩm thuộc dòng “tiểu thuyết tự truyện”. Đó là những tác phẩm viết về chính cuộc đời của tác giả nhưng thay đổi một số chi tiết về con người và có cấu trúc theo dạng tiểu thuyết. Dòng văn học này được đánh giá dễ viết, dễ thu hút nếu tác giả là nhân vật nổi tiếng. Tuy nhiên, nhược điểm là khó viết hay, ít có tính hấp dẫn nếu tác giả không phải người có tên tuổi hay liên quan đến những sự kiện lịch sử, xã hội nổi bật.

Tìm lại giấc mơ - Hành trình trên nước Mỹ (NXB Văn hóa Văn nghệ) của tác giả Võ Thị Kim Loan cũng là một tác phẩm “tiểu thuyết tự truyện”. Dù tên nhân vật chính được đổi thành Lúa nhưng tất cả câu chuyện, bối cảnh, công việc, cuộc sống… hoàn toàn là của tác giả. Để đảm bảo tính “tiểu thuyết” của tác phẩm, sách có sự biên tập và hiệu đính của nhà văn Trầm Hương, một nhà văn nữ nổi bật với dòng tiểu thuyết lịch sử của văn học Việt Nam hiện nay. Chính vì thế, khi đọc câu chuyện của Lúa, người đọc luôn thấy đó là Võ Thị Kim Loan và như chính tác giả thừa nhận, việc đặt tên Lúa vừa để thể hiện sự bỡ ngỡ khi đến một vùng đất mới vừa để nhớ về quê hương.

Lúa - Võ Thị Kim Loan tốt nghiệp đại học ngành Y năm 1987 và sau đó trở thành bác sĩ giảng dạy, đến năm 1992 trở thành bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên ngành hồi sức cấp cứu tại Trường ĐH Y Hà Nội. Đến năm 2000, chị theo chồng là một Việt kiều qua Mỹ và định cư tại miền Bắc California. Và đây là lúc câu chuyện bắt đầu.

Là một trí thức, bác sĩ giỏi, Lúa đã phải làm lại tất cả, đi học lái xe, học tiếng Anh, bắt đầu với những công việc lao động chân tay… Dần dần thông qua học tập cộng với kiến thức vốn có của bản thân, chị quay trở lại với công việc ban đầu. Tuy nhiên, những vấn đề về chuyên môn, nhất là về nghiệp vụ y khoa ít được nhắc đến, tác giả chủ yếu tập trung vào cuộc sống thường ngày của chính mình cũng như những người thân xung quanh. Đây chính là nét riêng của tác phẩm. Cuộc sống của một người Việt ở nước ngoài được tái hiện một cách chi tiết, cụ thể.

Khác với nhiều tác phẩm cùng đề tài thường đề cập đến những vấn đề tổng quát thì dưới góc nhìn của một phụ nữ, Lúa tái hiện cuộc sống của một người con xa xứ một cách gần gũi nhất có thể. Chuyện đưa con đi học, chuyện va chạm với những người cùng chia thuê nhà, đi chợ, trường học, hàng xóm láng giềng… Cả một cộng đồng, một cuộc sống, một xã hội được tái hiện dưới cái nhìn của một phụ nữ. Thậm chí, những sự kiện lớn như vụ khủng bố 11-9 tại Mỹ, vấn đề kỳ thị chủng tộc… cũng được nhìn lại theo cách của phụ nữ, lo lắng cho gia đình, suy tư về cuộc sống tương lai.

Tìm lại giấc mơ - Hành trình trên nước Mỹ vì thế góp phần giúp bạn đọc trong nước hiểu thêm về cuộc sống của những người con xa xứ. Từ những vất vả đến sự chấp nhận và không thể không nhắc đến những nỗi nhớ quê hương. Tìm lại giấc mơ không chỉ là giấc mơ về cuộc sống mà còn là giấc mơ về sự gắn kết với quê hương.

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục