Tìm lại vị thế

Sự cần thiết có một khu liên hợp thể thao đẳng cấp thế giới đã được thể hiện từ quyết định quy hoạch khu Rạch Chiếc của UBND TPHCM năm 2002. Đó là thời điểm TPHCM đăng cai một số môn thi đấu của SEA Games 2003. Cho đến nay, khu liên hợp này vẫn chưa thể hình thành với nhiều lý do khác nhau, diện tích giảm xuống 1/5, trong khi cơ sở vật chất trong nội thành dần xuống cấp hoặc khai thác không hiệu quả.

Là thành phố lớn nhất nước, đầu tàu về kinh tế và đặc biệt đã từng là địa phương đứng đầu về thể thao đỉnh cao lẫn phong trào nhưng cho đến nay, vẫn chưa có cơ sở thi đấu nào được xem là biểu tượng của thể thao TPHCM. Ngay như Nhà thi đấu Phú Thọ, được xây dựng với quy mô lớn, có sức chứa và trang bị hiện đại bậc nhất Việt Nam, nay chỉ được biết đến như một trong những nơi tổ chức hội chợ, triển lãm.

Quỹ đất dành cho thể thao đỉnh cao của TPHCM không thể nói là ít. Các trung tâm của những quận huyện đều nằm ở vị trí đắc địa nhưng trên thực tế, TP vẫn thiếu một cơ sở mang tính biểu tượng và đủ khả năng để đăng cai một đại hội thể thao tầm vóc thế giới.

TPHCM đã chính thức đề nghị Tổng cục TDTT đăng cai SEA Games 2015 hoặc 2017. Đề nghị này đã nhận được sự tán đồng của lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam. Có ý kiến còn cho rằng, đến nay TPHCM mới đưa ra quyết tâm trên là trễ so với sự phát triển của đời sống xã hội. Tuy nhiên, có thể thấy, nếu đề nghị này được chấp thuận, ngành thể thao TPHCM sẽ phải vắt chân lên cổ trong việc xây mới, tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất của ngành.

Quay trở lại với Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, hiện nay chỉ mới hình thành đề án thành lập một đơn vị quản lý làm đầu mối triển khai. Kể cả khi bắt đầu thực hiện từ lúc này, với điều kiện thuận lợi, việc hoàn thành vẫn sẽ mất không dưới 5 năm. Nếu những khó khăn từ nguồn vốn thực hiện có thể tháo gỡ được, vấn đề tổ chức, quản lý, điều hành cũng như giám sát việc xây dựng Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc lại phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố con người của ngành TDTT.

Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc vẫn còn nằm trên giấy. Khu trường đua Phú Thọ dự kiến chuyển thành trung tâm tập luyện đỉnh cao vẫn chưa hình thành đề án chi tiết trong khi các cơ sở hiện hữu chủ yếu là khai thác doanh thu phục vụ chi phí hàng ngày. Việc củng cố và gầy dựng lại những môn thể thao trọng điểm cũng chỉ mới bắt đầu và gặp vô số rào cản về con người, cơ chế, năng lực. Với thực tế đó, thật khó để đến năm 2015 hoặc 2017, thể thao TPHCM có sự phát triển đúng với tầm vóc của mình.

Không bi quan nhưng thật sự, nếu muốn làm được điều đó, chính ngành thể thao TPHCM phải thay đổi một cách mạnh mẽ nhất về tư duy lẫn chất lượng con người ngay từ lúc này.

T.VIỆT

Tin cùng chuyên mục