Trong “chiến dịch” hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn tại TPHCM, Sở Công thương TPHCM đã chủ động hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp (DN) sản xuất rau VietGAP với các nhà phân phối lớn như Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op). Mặt khác, TP cũng bắt đầu đưa rau VietGAP vào chợ, đã mở ra giai đoạn mới cho thị trường tiêu dùng: người dân có thể yên tâm và tin tưởng hơn vào chất lượng sản phẩm thiết yếu.
Phân khúc nhiều tiềm năng
Cách đây không lâu, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Sản xuất rau theo VietGAP” tại huyện Củ Chi. Theo Cục Trồng trọt, diện tích trồng rau cả nước đạt 823.728ha, năng suất khoảng 1,7 tấn/ha, cho sản lượng 14 triệu tấn/năm. Trong đó, diện tích rau an toàn 16.769ha. Tính đến tháng 9-2012, diện tích rau an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP và GlobalGAP là 491ha.
Trên địa bàn TPHCM và một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang… đang có nhiều mô hình trồng rau an toàn tiêu biểu gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cây lương thực - cây thực phẩm, Cục Trồng trọt cho biết: “Rau an toàn là cây trồng mang lại thu nhập khá cao cho người nông dân, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, được nhiều địa phương trong cả nước khuyến khích sản xuất. Thực tế có nhiều mô hình sản xuất rau đạt hiệu quả kinh tế cao, cho người dân có mức thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; thậm chí có nơi còn đạt tới 700 - 800 triệu đồng”.
Tuy nhiên, nhận định của một số chuyên gia lại cho rằng, thực trạng sản xuất rau an toàn ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Đó là phần lớn giá bán các sản phẩm rau an toàn và rau thông thường vẫn chưa có sự khác biệt nhiều và không ổn định. Đồng thời, sản xuất rau thông thường cũng như rau an toàn và chủ yếu tiêu thụ theo kênh nhỏ lẻ. Người trồng rau sau khi thu hoạch tự mang ra các chợ bán hoặc chấp nhận bán buôn cả ruộng cho thương lái với mức giá thấp hơn so với bán chợ từ 20% - 30%. Ngoài ra, còn hình thức tiêu thụ rau thông qua việc ký kết hợp đồng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thỏ Việt cho biết, hiện HTX đang sản xuất theo hướng tập trung cho các sản phẩm an toàn trên diện tích gần 50ha, trong đó 48ha đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Hiện Thỏ Việt cung ứng bình quân 30 tấn/ngày. Trong năm 2014, Thỏ Việt sẽ nâng khả năng cung ứng lên 100 tấn/ngày trên diện tích khoảng gần 200ha. Nhưng vấn đề này vẫn tùy thuộc vào thị trường vì hiện nay nhu cầu sử dụng rau VietGAP vẫn còn hạn chế do tâm lý của người tiêu dùng cho rằng giá rau cao hơn so với giá bán các loại rau bán xá khác.
Trên thực tế, theo tính toán của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, nếu so sánh giá rau VietGAP với các loại rau đang bán xá thì giá bán gần như không có sự chênh lệch, bởi lẽ rau an toàn đã được làm sạch. Để tăng sản lượng rau VietGAP, Thỏ Việt cũng đang nỗ lực đã đưa rau đến nhiều chợ bán lẻ nhưng mức độ phổ biến chưa cao.
Mở rộng kênh phân phối rau VietGAP
Tháng 6-2013 vừa qua, Saigon Co.op đã ký kết với 16 đơn vị được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (9 đơn vị là các DN, các HTX sản xuất rau củ quả của TP, số DN còn lại là của 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận). Ký kết này mang lại lợi ích cho cả 3 bên: DN sản xuất an tâm đầu ra, nhà kinh doanh siêu thị an tâm có đầu vào đạt chuẩn, và quan trọng hơn hết là người tiêu dùng an tâm vì được cung cấp rau an toàn thường xuyên, đảm bảo chất lượng với giá hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, hiện nay toàn hệ thống siêu thị Co.opmart tiêu thụ 120 tấn rau quả/ngày. Sắp tới, rau quả VietGAP sẽ chiếm 60% tổng sản lượng rau quả bày bán trong hệ thống nhưng giá bán sẽ thấp hơn 10% - 15% giá thị trường. Có được yếu tố này là nhờ Saigon Co.op mua trực tiếp rau quả VietGAP tại vườn đơn vị sản xuất, không thông qua trung gian và tham gia chương trình bình ổn giá.
Theo Sở Công thương, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục chọn các hệ thống siêu thị khác để thực hiện việc ký kết, nhằm hỗ trợ và khuyến khích các DN tập trung sản xuất các sản phẩm rau an toàn cung ứng cho thị trường. Đối với các chợ truyền thống, Sở Công thương đã hoàn tất đề án xây dựng “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm”. Trước mắt, sở đã chọn chợ Bến Thành và chợ đầu mối Hóc Môn để thực hiện.
Hoạt động trên mới chỉ là khởi đầu, mang tính chất thí điểm. Để rau an toàn phát triển và cung cấp đầy đủ cho toàn xã hội, cần phải có sự bắt tay mật thiết hơn nữa giữa nhà sản xuất và phân phối. Bởi tại một số địa phương, thực trạng sản xuất rau xanh còn gặp nhiều khó khăn như công nghệ còn mang tính truyền thống, kỹ thuật lạc hậu, chưa phân biệt được giữa sản phẩm an toàn và sản phẩm không an toàn. Nguyên nhân do đa số rau an toàn chưa có nhãn mác hay logo chứng minh và đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Điều quan trọng là TP cần hỗ trợ cho các HTX và ban quản lý các chợ về mặt cơ chế, chính sách thì rau VietGAP sẽ có điều kiện phát triển, dần đẩy lùi các loại rau không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng trên thị trường.
BÍCH THỦY