Thống kê mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) dự báo tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng euro (eurozone) cho năm 2012 sẽ là -0,1%. Cụ thể, dự báo tăng trưởng GDP của các thành viên eurozone như sau: Hy Lạp - 5,3%, Bồ Đào Nha - 3,2%, Italia - 1,7% và Tây Ban Nha - 1,6%.
Cho tới nay, vẫn chưa có một giải pháp tổng thể nào khả thi có thể cứu các nền kinh tế trong eurozone. Những ngày gần đây nổi lên 2 quan điểm đáng chú ý. Một là của Tổng thống Pháp François Hollande. Theo các báo Pháp, tại cuộc họp không chính thức giữa các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ châu Âu vào tuần trước tổ chức tại Brussels, tân tổng thống Pháp François Hollande đề nghị đưa vấn đề trái phiếu châu Âu (eurobond) vào các cuộc thảo luận để tạo ra tăng trưởng cho khu vực eurozone.
Eurobond dựa trên sự “san sẻ về mức độ rủi ro” giữa các thành viên để bảo vệ lẫn nhau khi cần huy động vốn, tránh cho một nước thành viên eurozone trở thành mục tiêu tấn công của các nhà đầu cơ khi cần vay tín dụng và qua đó làm suy yếu toàn khối. Với eurobond, 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu có thể vay tín dụng với một lãi suất duy nhất.
Sáng kiến phát hành công trái ở cấp châu Âu do tân tổng thống Pháp đề xuất đang ngày càng thu hút chú ý và được hưởng ứng từ phía các đối tác châu Âu, đặc biệt là từ phía các nước đang gặp khó khăn như Italia hay Hy Lạp. Gần đây hơn, IMF và OECD cũng đã nghiêng về giải pháp này, coi đó là phương tiện hiệu quả để vực dậy kinh tế châu Âu. Riêng Đức và một vài nước như Phần Lan vẫn chống đối vì lo ngại những thành viên kém kỷ luật về phương diện tài chính sẽ còn tiếp tục tự do tiêu xài.
Thủ tướng Merkel không muốn eurozone phát hành eurobond vì Berlin lo ngại với lãi suất chung cho toàn khối, một số quốc gia lại càng dễ đi vay để tiêu xài vô tội vạ. Với eurobond, Đức có thể sẽ đi vay với lãi suất cao hơn lãi suất hiện tại là 1,5% đến 2%, trong khi các nước như Tây Ban Nha nhờ có eurobond sẽ chỉ phải đi vay với lãi suất từ 4% đến 5% thay vì 6% hay cao hơn thế nữa.
Ý kiến thứ hai từ ông Clyde Prestowitz, Chủ tịch Viện Chiến lược kinh tế Mỹ và ông John Prout, cựu thủ quỹ tại Ngân hàng Crédit Commercial de France (Pháp) đăng trên trang web CNN.
Theo hai ông này, thay vì để Hy Lạp rời khỏi eurozone sẽ gây ra hậu quả lớn cho kinh tế EU và toàn cầu, Đức nên rời khỏi eurozone, trở lại sử dụng đồng mark. Hai chuyên gia kinh tế này cho rằng đồng euro hiện nay chỉ phản ánh tính cạnh tranh trung bình của nhiều nước trong eurozone trong khi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Đức vượt xa mức này.
Điều đó giải thích lý do vì sao Đức có giá trị thặng dư mậu dịch vượt cả Trung Quốc vì euro quá yếu so với nền kinh tế Đức. Nếu Đức tiếp tục ở lại eurozone, các nền kinh tế khác trong khối phải tiếp tục vất vả chống đỡ tình trạng nhập siêu từ Đức.
Ngược lại, khi Đức dùng đồng mark, các nước còn lại của eurozone có thể thừa hưởng lợi thế đồng euro rẻ hơn so với mark để tăng cường xuất khẩu vào Đức, người Đức sẽ phải tiêu dùng nhiều hơn. Đức ra khỏi khối eurozone cũng chính là một cách để eurozone có thể dễ dàng sử dụng eurobond như đã nói ở trên. Khi đó, Đức có thể dùng mark mua eurobond, tạo thanh khoản cho ngân hàng trung ương ECB từ đó đưa kinh tế toàn khối eurozone phát triển.
Vấn đề còn lại là liệu sau khi Đức rời eurozone, tăng trưởng xuất khẩu của Đức giảm, thất nghiệp có thể tăng. Nhưng theo hai nhà kinh tế, hậu quả này có thể nhẹ hơn những hậu quả từ các chính sách thắt lưng buộc bụng của hàng loạt thành viên eurozone đang dẫn đến cuộc khủng hoảng về chính trị và xã hội.
THỤY VŨ