Tìm một con đường

Ngày 17-5, cuộc họp đầu tiên của chính phủ mới ở Pháp đã được tiến hành. Trước đó, sau nhiều giờ trì hoãn, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Pháp Pierre-René Lemas đã công bố thành phần chính phủ mới do Thủ tướng Jean-Marc Ayrault đứng đầu.

Chính phủ mới gồm 34 bộ trưởng, trong đó có 17 nữ. Ông Laurent Fabius, 65 tuổi, được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. So với chính phủ tiền nhiệm, chính phủ của Thủ tướng Ayrault có một bộ mới là Bộ Quyền phụ nữ và Phát ngôn của chính phủ do bà Najat Vallaud Belkacem (sinh năm 1977), người gốc Morocco, làm bộ trưởng.

Theo Thủ tướng Ayrault, văn bản đầu tiên mà nội các mới ban hành sau cuộc họp sẽ là việc áp đặt mức cắt giảm 30% lương của tổng thống và tất cả các bộ trưởng như ông Hollande đã từng cam kết.

Còn nhớ sau ngày bầu cử Tổng thống vòng hai 6-5, dư luận đều nhận thấy việc ông François Hollande, chính trị gia đại diện cho đảng Xã hội (PS), đồng thời được cánh tả, cực tả và một phần của cánh trung hữu ủng hộ, trở thành tổng thống là một sự kiện lịch sử cho xu hướng chính trị mới.

Trong tình trạng suy thoái trầm trọng về kinh tế, tài chính của Liên minh châu Âu (EU), cương lĩnh chính trị của ông François Hollande có tính chất cốt yếu về bảo vệ việc làm, an sinh xã hội, khắc phục khủng hoảng đã thuyết phục được cử tri Pháp. Cương lĩnh mà các đối thủ chính trị và các chuyên gia thiên về “kinh tế thị trường vô giới hạn” chỉ trích là có tính cách “mị dân”.

Làm sao để EU thoát ra được sự suy thoái? Chính giới và chuyên gia kinh tế của EU cũng chia làm 2 phía với 2 quan niệm đối kháng. Các nước về phía Bắc như CHLB Đức, Thụy Điển, Anh áp dụng chủ trương “thắt lưng buộc bụng”, có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Để tránh tình trạng nợ công tăng cao, các nước này giảm chi tiêu tối đa: đầu tư công, chi phí cho bộ máy hành chính, lương, bảo hiểm xã hội...

Hiệp ước về “nghiêm khắc tài chính, nợ công và bất lạm phát” áp dụng cách đây 2 năm tại các nước nêu trên đã tương đối thành công: nợ công giảm và khả năng “cạnh tranh” của công nghiệp tăng, sản phẩm và dịch vụ phục hồi. Nhưng chủ yếu, kết quả này nhờ vào chính thị trường nội bộ EU và thị trường châu Âu. Vấn đề là ngày nay, cả châu Âu bị rơi vào tình trạng suy thoái...

Ngược lại, nước Pháp của François Hollande, Tây Ban Nha và các nước Nam Âu, để thoát khỏi suy thoái, lựa chọn phương pháp phát triển dựa trên khả năng sản xuất cao, trên sản phẩm, dựa trên nợ công, trên đồng lương cao, trên sự can thiệp của nhà nước vào thị trường, bảo đảm đời sống xã hội.

Với nợ công 1.700 tỷ EUR, tỷ lệ thất nghiệp cao, giá năng lượng tăng vùn vụt, tăng trưởng của GDP gần số 0 cho năm 2012, khủng hoảng kinh tế toàn EU, liệu Tổng thống Hollande và nước Pháp có thể còn có sự lựa chọn về con đường thoát ra suy thoái và thành công hay không? Chắc chắn là sẽ rất khó.

Vậy, đường nào đúng, hướng nào sai? Thật ra, cả 2 chủ trương khắc phục suy thoái này đều đúng với điều kiện được áp dụng uyển chuyển tùy theo từng tình hình kinh tế và xã hội. Với điều kiện được áp dụng với sự đồng tình của công dân, công đoàn, tổ chức kinh tế...

Tất cả cộng đồng sẽ phải trả một giá cao: giảm lợi ích xã hội, tăng thuế. Nếu Tổng thống Hollande muốn áp dụng đường lối như đã nêu trong cương lĩnh chính trị của mình thì thứ nhất, Pháp bắt buộc phải thuyết phục được CHLB Đức và các nước thành viên khác chấp nhận bổ sung hay thay đổi một phần những điều kiện của Hiệp ước về kỷ luật tài chính của EU.

Thứ hai, Pháp và EU phải hướng nền kinh tế và sự phát triển của chính mình về các quốc gia đang và mới phát triển như Ấn Độ, Brazil và châu Mỹ la-tinh, Đông Nam Á, nơi đang tập trung 80% tiềm năng thị trường.

Võ Trung Dung (từ Pháp)

Tin cùng chuyên mục