Tìm tiền xây dựng lại Syria

Trong khi cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq đang ở đỉnh cao và IS đang mất dần khả năng chống cự, cũng là lúc người ta bàn về việc tái thiết đất nước và thành lập chính phủ ở Syria. Sau 5 năm chiến tranh, tổng thiệt hại ở Syria lên đến hơn 200 tỷ USD.
Tìm tiền xây dựng lại Syria

Trong khi cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq đang ở đỉnh cao và IS đang mất dần khả năng chống cự, cũng là lúc người ta bàn về việc tái thiết đất nước và thành lập chính phủ ở Syria. Sau 5 năm chiến tranh, tổng thiệt hại ở Syria lên đến hơn 200 tỷ USD.

Syria hoang tàn sau 5 năm chiến tranh

Tái thiết đất nước

Tổng thống Syria Bashar Al Assad cho biết, sau khi giải phóng Palmyra, quân đội chính phủ sẽ tiếp tục tấn công IS ở những khu vực lân cận nhằm mở đường cho việc giải phóng miền Đông, bao gồm Deir al-Zor và Raqqa, thủ phủ của bọn khủng bố. Phát biểu với báo giới ngày 31-3, ông Assad nhận định các vấn đề kinh tế có thể được giải quyết ngay lập tức một khi tình hình ổn định trở lại tại Syria, nhưng việc tái thiết hạ tầng có thể mất nhiều thời gian.

Theo ông Assad, Syria có thể sẽ trao hợp đồng tái thiết cho các công ty đến từ 3 quốc gia chủ chốt đã hỗ trợ chính phủ Syria trong cuộc khủng hoảng hiện nay gồm: Nga, Trung Quốc và Iran. Ngày 29-3, ông Assad cũng đã kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ quá trình tái thiết các công trình cổ và đền thờ bị phá hủy tại thành phố Palmyra, địa điểm mà quân chính phủ vừa giành lại từ tay IS.

Thành lập chính phủ

Liên quan đến vấn đề thành lập chính phủ, hãng tin RIA của Nga đưa tin Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho rằng, việc thành lập một chính phủ mới ở quốc gia Trung Đông này không phải là vấn đề phức tạp và mọi vấn đề đều có thể được giải quyết trong cuộc hòa đàm ở Geneva (Thụy Sĩ). Theo ông Assad, sẽ là logic nếu một chính phủ mới được thành lập bao gồm cả các lực lượng đối lập, các lực lượng độc lập và lực lượng trung thành với chính quyền Damascus.

Đáp lại tuyên bố của Tổng thống Assad, Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC - đại diện cho liên minh gồm nhiều nhóm đối lập ở Syria) đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của ông Assad về việc tham gia vào chính phủ chuyển tiếp. Phe đối lập Syria cho rằng, nước này cần một chính quyền chuyển tiếp với đầy đủ các quyền hành pháp, chứ không phải một chính phủ có sự tham gia của các thành phần và chịu sự điều hành của Tổng thống Assad. Cùng ngày, Nhà Trắng củng cố lại quan điểm của Mỹ cho rằng Tổng thống Syria Assad không nên là một phần của một chính phủ đoàn kết chuyển tiếp tại Syria.

Trong khi cuộc hòa đàm đang bên bờ vực sụp đổ, một giải pháp chính trị dường như xa xôi do liên quan đến tương lai của Tổng thống Assad, thì triển vọng kết thúc cuộc chiến chống IS đang trong tầm tay. Tuy nhiên, không thuận lợi cho Damascus là đến thời điểm này, tiến trình tái thiết Syria không nhận được đầy đủ sự chú ý của quốc tế, thậm chí của Mỹ.

Sau Thế chiến thứ II, Mỹ đã đóng góp 13 tỷ USD cho Kế hoạch Marshall để ủng hộ xây dựng lại châu Âu, tương đương 100 tỷ USD ngày nay. Và để có số tiền hàng trăm tỷ tái thiết Syria, Mỹ, châu Âu và nhiều cường quốc khác được hy vọng sẽ đóng góp hào phóng cho bất kỳ giải pháp chính trị nào ở Syria. Nhưng thực tế, thậm chí vài tỷ USD cam kết đóng góp hàng năm của các nước để duy trì sự tồn tại trong một thập kỷ cũng không thể đáp ứng đủ ¼ nhu  cầu tái thiết. Tệ hơn, sự xuống dốc của giá dầu cũng sẽ khiến các nước xuất khẩu dầu ở vùng Vịnh thắt lưng buộc bụng, khó dư dả để giúp đỡ Syria.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, đây chính là cơ hội để Nga phá vỡ sự thống trị của một số nước vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia - mà theo quan điểm của Mátxcơva là đã tạo ra một sự ảnh hưởng không tốt về cả kinh tế cũng như xã hội ở Trung Đông. Cho đến nay, Nga là đối tác duy nhất đã đưa ra một lộ trình chi tiết các kế hoạch giúp cải cách Syria sau khi kết thúc chiến tranh. Kế hoạch này đã  được trình bày tại Vienna hồi tháng 10-2015.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục