Tìm túi chứa lũ

Sau gần 10 năm nước về ít, cật lực lo chống chọi hạn - mặn, năm nay, từ sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoy (Lào) cộng với lượng mưa lớn bất thường ở đầu nguồn sông Mê Công, ĐBSCL đang lo lắng chờ con nước đổ về.

 Theo số liệu mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đưa ra, mực nước lũ tại ĐBSCL đã vượt cao hơn dự tính so với thời điểm vừa xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoy (Lào). Hiện tại mực nước lũ đang gần ngưỡng báo động 1, và sẽ đạt ngưỡng báo động 2. Nhiều diện tích trồng lúa ngoài đê bao khó tránh khỏi mất trắng. Câu chuyện đặt ra từ sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào lần này là lời nhắc ĐBSCL đừng quên “2 túi chứa nước” cân bằng sinh thái toàn vùng.

Lâu nay ĐBSCL có câu chuyện khá “trái khoáy” là nông dân và chính quyền giữa các địa phương có tâm lý “trái chiều” nhau từ diễn biến của nước lũ. Nếu đầu tháng 8-2018, An Giang và Đồng Tháp, 2 tỉnh đầu nguồn “sốt vó” bảo vệ lúa khi có nhiều dấu hiệu cho thấy có lũ lớn, thì ngược lại Bến Tre, Trà Vinh và một số tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau lại thấy khả quan, bớt lo cho mùa khô hạn năm sau. Đây là quy luật tự nhiên. Lũ lớn, nguồn nước dồi dào sẽ được tích trữ để điều tiết cân bằng đẩy bớt mặn trong mùa khô hạn. Đối với châu thổ ĐBSCL, nhất là khu vực cuối nguồn sông Mê Công, nếu thiếu nước ngọt, không đủ lực đẩy thì nước mặn từ biển “phản đòn” xâm nhập sâu vào nội đồng. Trong gần 10 năm qua, nhiều người cho rằng, tác động thật sự đối với sự phát triển của vùng đất trù phú ĐBSCL lớn hơn người ta nghĩ. 

Câu chuyện các nước thượng nguồn đua nhau xây đập thủy điện không chỉ làm suy kiệt nguồn nước, nguồn thủy sản mà còn tác động rất lớn đến địa tầng đã kiến thiết nên ĐBSCL trong hàng ngàn năm qua. Đó chính là nguồn dinh dưỡng phù sa nằm lại ở các đập thủy điện không thể về đến đồng bằng. Vì vậy, không khó hiểu khi xu hướng sụp lún diễn ra ngày càng nhiều trong vùng và không có khả năng hồi phục. Thậm chí có nhà khoa học cảnh báo: ĐBSCL đang chìm!

Câu chuyện bảo vệ tính mạng, tài sản và mùa màng của người dân đầu nguồn lũ hiện nay là cấp bách. Nhưng hơn lúc nào hết, các tỉnh ĐBSCL cần tỉnh táo và chủ động có phương án đối phó với các tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai và nhất là có chiến lược giúp nông dân sản xuất an toàn thích nghi với tự nhiên, cân bằng sinh thái toàn vùng lâu nay. 

Cách đây 2 năm, ĐBSCL chịu thiệt hại nghiêm trọng do trận hạn - mặn lịch sử hoành hành. Đó cũng là dấu mốc cho hàng loạt vụ sạt lở đất lan rộng khắp các tỉnh thành trong vùng. Có một điều mà đến nay cả giới khoa học và chính quyền các tỉnh vẫn chưa thảo luận và có kết luận rõ ràng: Vì sao nhiều năm liền lũ nhỏ (thậm chí không có lũ), nhưng các địa phương ở hạ nguồn như Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh lại đối diện với cảnh ngập lụt cục bộ thường xuyên theo triều cường. Nhiều tuyến quốc lộ, thậm chí quốc lộ 1 (đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long) bị nước tràn qua, các cù lao trên sông Hậu bị uy hiếp nghiêm trọng!? Có hay không tác động từ việc An Giang, Đồng Tháp làm đê bao khép kín sản xuất lúa 3 vụ/năm (nước từ sông Mê Công về không tràn vào đồng được), đã đẩy con nước về phía hạ nguồn, gây ra cảnh ngập lụt cục bộ?

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: Lâu nay hạ nguồn sông Mê Công có 3 túi nước để cân bằng một phần sinh thái. Đó là hồ Tonle Sap (Campuchia), và Đồng Tháp Mười (khoảng 700.000ha), Tứ giác Long Xuyên (khoảng 590.000ha). Hàng năm khi lũ thượng nguồn về, 3 túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL theo các mùa lũ thì cất giữ làm lũ hiền hòa, từ từ nhả nước ra bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu đẩy nước mặn. Chính vì vậy, cần phải xem xét lại việc đắp đê bao, sản xuất lúa vụ 3 ở khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, chỉ tính riêng khu vực Tứ giác Long Xuyên (chưa tính đến Đồng Tháp Mười), khả năng trữ nước đã giảm từ 9,2 tỷ m3 xuống còn 4,5 tỷ m3, do diện tích khoảng 1.100km2 ô đê bao khép kín. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta không có 4,7 tỷ m3 nước để đẩy mặn ven biển trong mùa khô.

Trong 5 năm qua, tình trạng sụp lún đất, sạt lở bờ sông gia tăng với mức độ khốc liệt ở ĐBSCL. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng không thể phủ nhận nguyên nhân thiếu phù sa bồi bổ cho toàn vùng. Trong 20 năm qua, ĐBSCL đã có những kế sách, chiến lược đầu tư căn cơ để chung sống với lũ. Giờ là lúc Bộ NN-PTNT cần đưa ra phương án phù hợp để tận dụng 2 túi chứa nước từ Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Trong đó, cần khơi gợi và tính đến phương án bỏ sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông) ở một số khu vực đê bao, mở đập đón nước lũ để bồi bổ phù sa lại cho đất. Giờ không chỉ là chuyện ứng phó với con nước dồn về từ sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào mà cần tính đến phương án “chắt chiu tích nước” trong mùa mưa lũ để điều tiết hài hòa cho sinh hoạt và sản xuất của người dân toàn vùng.

Tin cùng chuyên mục