Tìm về nơi bình yên

Ở Paris, mọi thứ trôi đi thật yên bình, êm ả, dù lực lượng cảnh sát tuần tra suốt ngày đêm để bảo vệ cho “trái tim” của EURO 2016. Nó khác với sự hỗn loạn liên tục xảy ra ở Marseille, Lens và Lille mấy ngày qua…

SẮC MÀU EURO

Ở Paris, mọi thứ trôi đi thật yên bình, êm ả, dù lực lượng cảnh sát tuần tra suốt ngày đêm để bảo vệ cho “trái tim” của EURO 2016. Nó khác với sự hỗn loạn liên tục xảy ra ở Marseille, Lens và Lille mấy ngày qua…

Dưới chân tháp Eiffel hùng vĩ, một cặp trai tài, gái sắc đã nên duyên sau màn cầu hôn lãng mạn của chàng trai Darren người Xứ Wales dành cho người yêu Emma xinh xắn. Dưới chân tháp Eiffel, người ta thoải mái mời nhau ly bia mát lạnh, bàn về bóng đá và những trận cầu sôi động. Dưới chân tháp Eiffel, bầu không khí cổ vũ EURO 2016 thật chuẩn mực dù không thiếu tiếng hò reo, ca tụng…

Fanzone dưới chân tháp Eiffel – một chốn bình yên.

Không thể thiếu sự cuồng nhiệt.

Chốn ấy thật bình yên. Nhiều CĐV trung thành của đội tuyển Anh, đội tuyển Nga ở Marseille và Lens đã mong được sống trong cảnh tượng nhẹ nhàng như thế. Tiếc thay, một nhóm người quá khích đã phá hỏng bữa tiệc bóng đá của họ, đẩy mức an ninh từ bình thường lên báo động cấp cao và đến hôm qua, hơn 20 người Anh đã bị trục xuất khỏi nước Pháp vì hành động thái quá của mình.

Thậm chí, UEFA lại tiếp tục bận bịu với công tác điều tra của mình sau trận Nga thua Slovakia hôm 15-6. Có điều, lần này những kẻ gây hấn lại là CĐV Anh và Xứ Wales - những người đã thóa mạ và chế diễu hàng ngàn CĐV Nga trong khi họ đang gặm nhấm nỗi buồn thất bại và nguy cơ bị loại khỏi EURO đang dần hiện lên trước mặt.

Kể cũng lạ, vì ngay cả khi một số kẻ quá khích của Anh và Xứ Wales chửi rủa và đã bị rượt đuổi, thì người Nga vẫn không phản kháng lại, hoặc có cũng khá yếu ớt. Cảnh sát thành phố Lille kể lại rằng nhiều người Nga cố thoát khỏi vụ ẩu đả và tìm đến họ để được bảo vệ. Cảnh sát Lille đã dùng đến hơi cay, dùi cui để trấn áp đám người vô tổ chức và thiếu ý thức ấy, thay vì dùng biện pháp mạnh hơn khi đôi bên lao vào kịch chiến. Chị Illya đế từ thành phố St Petersburg đã phải thốt lên ngỡ ngàng rằng: “Tôi không biết là CĐV nước nào, nhưng tất cả đều nói tiếng Anh, đông lắm và lao vào quán bar để quậy phá, miệng liên tục chửi rủa đội tuyển của chúng tôi. Mặc dù nghe chướng tai, nhưng chỉ sợ xung đột nên chúng tôi nín nhịn và rút ra thật nhẹ nhàng”.

Trước trận đấu với Xứ Wales, chính HLV trưởng đội tuyển Anh, ông Roy Hodgson đã phải lên tiếng chỉ trích ngược lại những CĐV quá khích nước mình, đồng thời cho rằng: “Họ đang góp phần làm hoen ố vẻ đẹp của những người yêu bóng đá chân chính”. Giám đốc điều hành của LĐBĐ Anh (FA), ông Martin Glenn đã viết cả bức tâm thư gửi đến CĐV để hy vọng họ không bị kẻ xấu lôi kéo vào cuộc hỗn loạn, vì dù sao những người Anh đến Pháp là để đại diện cho tình yêu bóng đá chân thật của người Anh chứ không phải đại diện cho bạo lực và sự xấu xí…

Thoải mái đá bóng ở Fanzone dưới chân tháp Eiffel

Nụ hôn tình yêu.

Ở Paris, các CĐV luôn sẵn sàng siết chặt tay nhau để nhảy múa sau trận đấu và nơi đây văn hóa cổ động luôn được ưu tiên hàng đầu. Cũng ồn ào thật đấy, nhưng cứ thử hòa mình vào khu Fanzone dưới chân tháp Eiffel, bạn sẽ giống như đang được thưởng thức một lễ hội ẩm thực và bóng đá thực sự, dù số lượng CĐV đến không đông như những gì nhà tổ chức trông mong.

Chốn bình yên ấy, giá như cũng tồn tại ở Marseille, Lens, Lille hay Bordeaux… thì có lẽ EURO 2016 đã rất khác rồi…

NGUYÊN KHANG (từ Paris)


CĐV Anh và Pháp đụng độ

Một lần nữa ở Lille, các CĐV Anh lại gây rối khi đụng độ với người dân Pháp, trước khi tấn công cả cảnh sát đang nỗ lực giải quyết tình hình. Ở phố Gand, đám đông say rượu vừa kéo nhau đi vừa hò hét “người Nga trốn ở đâu?”, chủ yếu là các CĐV quá khích của Anh muốn trả đũa cho việc họ bị CĐV Nga tẩn cho tơi bời trên SVĐ Velodrome ở Marseille vài ngày trước. Tuy nhiên, nhóm quá khích này đã bất ngờ tấn công người dân Lille và bị đáp trả quyết liệt. Cảnh sát chống bạo động của thành phố buộc phải dùng đến vũ lực để hóa giải tình thế, đồng thời tạm giữ 36 người, đưa 16 người khác nhập viện với thương tích đầy mình.

Ở gần khu nhà ga của Lille, một nhóm 50 CĐV được cho là của Anh bị cảnh sát theo dõi sát sao và lập tức nhiều người bị bắt giữ khi có ý định gây hấn và bỏ chạy. Theo người phát ngôn của cảnh sát Lille, đây có thể là nhóm người chủ mưu gây ra những vụ ẩu đả nhỏ trên đường phố suốt mấy ngày qua. Khi các CĐV Pháp đến quán bar ăn mừng chiến thắng 2-0 trước Albania rạng sáng qua, vài chục CĐV Anh đã lao vào rượt đuổi và đánh đập, bắt buộc cảnh sát phải nhập cuộc.

VIỆT HÙNG


                                       1/10 dân số Iceland đến Pháp

Ước tính, có khoảng 30.000 CĐV của Iceland đã có mặt trong trận hòa giữa đội tuyển nước này với ứng cử viên Bồ Đào Nha. Điều đó có nghĩa, 1/10 dân số Iceland đã đến nước Pháp để theo chân đội tuyển quốc gia và đã thổi bùng lên ngọn lửa cổ động ở thành phố Saint-Etienne. Ấn tượng mà CĐV xứ này để lại không chỉ là cách cổ động cuồng nhiệt, mà còn với đủ thứ giọng, hùng hồn và kéo dài không ngưng nghỉ… đôi khi làm cho các CĐV Bồ Đào Nha phải “sởn da gà” vì quá mạnh mẽ.

Cổ động viên Iceland.

Nhưng không hề có thái độ thù địch, vẫn là những ánh mắt giao lưu thân thiện giữa người Iceland với Bồ Đào Nha, cho dù cũng có một vài kẻ xấu tính đã lên tiếng chê bai siêu sao Cristiano Ronaldo sau trận đấu, rằng anh đã chơi quá tệ và là không đủ tài năng để đối chọi với các hảo thủ Iceland.

Cảnh sát tại đây thừa nhận cũng có phần lo ngại đụng độ giữa CĐV 2 nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi một số phần tử xấu giữa đám đông Iceland cố gắng khiêu khích, nhưng rốt cuộc chuyện đáng tiếc đã không xuất hiện.

CĐV Iceland kết thúc bằng màn diễu hành, nhảy múa và hát hò trên đường phố ở Saint-Etienne cho đến tận đêm khuya…

NGUYÊN PHƯƠNG

In trangVề đầu trangIn trangVề đầu trangIn trangIn trangVề đầu trangIn trangVề đầu trangVề đầu trang

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục