CDIO, viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Conceive - Design - Implement - Operate (hình thành ý tưởng - thiết kế, triển khai và vận hành), là một phương pháp luận giúp giải quyết được 2 vấn đề then chốt: Dạy cái gì? Dạy như thế nào? Điều căn bản, mô hình này cung cấp nguồn nhân lực mà xã hội cần.
Đến nay, sau gần 2 năm triển khai thí điểm tại hai khoa Công nghệ thông tin (Đại học KHTN TPHCM) và Cơ khí (Đại học Bách khoa TPHCM), những kết quả bước đầu hứa hẹn những thay đổi lớn từ chất lượng đào tạo kỹ sư trong trường đại học.
Từ đầu năm 2010, Trường ĐH Bách khoa đã tổ chức 5 khóa chuyên đề kỹ năng cho giảng viên nhằm nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng đánh giá học tập và kỹ năng giao tiếp… Bên cạnh đó, còn có 4 đợt tập huấn nâng cao các phương pháp dạy và học chủ động, phương pháp đánh giá môn học với các chuyên gia giáo dục từ Mỹ, Singapore.
Khoa CNTT - Trường Đại học KHTN cũng liên tục mở các khóa tập huấn cho giảng viên của trường như học cách chia nhóm, bắt cặp chia sẻ, các kỹ năng quản lý thời gian, thuyết trình, soạn giáo án của giảng viên…, tạo lập các diễn đàn để giảng viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Các môn học giới thiệu nghề nghiệp cũng được đưa vào chương trình giảng dạy. Lần đầu tiên, các sinh viên biết được công việc cụ thể sau khi ra trường là gì? Các nhà tuyển dụng yêu cầu những điều gì? Sinh viên phải cần kỹ năng gì bên cạnh kiến thức?…
Đến nay, cả hai khoa thí điểm chương trình của Đại học Quốc gia TPHCM đã gần như xây dựng xong chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo. Khoa Cơ khí (Đại học Bách khoa) đã áp dụng phương pháp giảng dạy mới, với sự hỗ trợ hệ thống Bkel (Bách khoa e-learning), cho môn Nguyên lý máy, Chi tiết máy, Dung sai và Kỹ thuật đo, Nhập môn về Kỹ thuật. Tích hợp, phát triển khả năng tự học, tự khám phá tri thức cho 2 khóa Kỹ sư tài năng 2009 và 2010, trong đó, khóa 2010 đã có đồ án cơ sở đầu tiên theo tiêu chuẩn CDIO.
TS Trương Chí Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, chia sẻ, sắp tới, Đại học Bách khoa sẽ chuyển sang hệ đào tạo kỹ sư 4 năm, thành công từ đề án thử nghiệm này có thể áp dụng cho các khoa còn lại. Cho nên, mỗi bước đi chậm rãi và vững vàng sẽ mang lại thành công sau này. Cùng chung quan điểm PGS-TS Lê Hoài Bắc, Phó Trưởng khoa CNTT-Trường Đại học KHTN, cách làm cuốn chiếu như vậy nên thực hiện chậm rãi, không nên vội vàng. Chưa kể, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, kinh phí thực hiện khá lớn là một trở ngại và khó khăn cho một đề án lớn thực hiện trong 7 năm (2010-2017). Trường Đại học KHTN vừa đấu thầu 2 phòng học đủ tiêu chuẩn CDIO với số tiền hơn 2 tỷ đồng, ngoài sự hỗ trợ của Đại học Quốc gia TPHCM, nhà trường phải đối ứng 20% trong số tiền này, dù nhà trường đang phải gồng gánh và phân chia cho nhiều chương trình khác.
Tuy vậy, lạc quan về chương trình này là có cơ sở với hiệu ứng tốt từ giảng viên và sinh viên. Một khi thành công, chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO sẽ đóng góp không nhỏ vào công cuộc đổi mới nền giáo dục đại học Việt Nam, hơn nữa có thể nâng cao trình độ cho kỹ sư Việt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Tường Hân