Tín hiệu mới từ sân khấu học đường

Sân khấu học đường (SKHĐ) là chương trình phát triển văn hóa cấp quốc gia vừa triển khai tại tại 3 điểm trường THCS ở TP Cần Thơ trong dịp hè vừa qua và đạt được nhiều kết quả khả quan. Khoảng 60 học sinh được các nghệ sĩ đoàn cải lương Tây Đô và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Cần Thơ truyền dạy bài bản tài tử, cải lương, vọng cổ, dàn dựng trích đoạn sân khấu, hóa trang, vũ đạo...
Tín hiệu mới từ sân khấu học đường

Sân khấu học đường (SKHĐ) là chương trình phát triển văn hóa cấp quốc gia vừa triển khai tại tại 3 điểm trường THCS ở TP Cần Thơ trong dịp hè vừa qua và đạt được nhiều kết quả khả quan. Khoảng 60 học sinh được các nghệ sĩ đoàn cải lương Tây Đô và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Cần Thơ truyền dạy bài bản tài tử, cải lương, vọng cổ, dàn dựng trích đoạn sân khấu, hóa trang, vũ đạo...

Đã có vàng

Cả nhà hát Tây Đô ngỡ ngàng, nín lặng khi chứng kiến Quách Phú Thành, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Long Tuyền (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vào vai trong trích đoạn Rạng ngọc Côn Sơn với một Nguyễn Trãi đầy tâm tư, trăn trở trước bao biến động xã hội và lòng người… được cậu bé mới 10 tuổi này lột tả thật đĩnh đạc, thần thái, nhiều biểu cảm. “Vai diễn này rất khó, diễn viên qua trường lớp còn khớp, nhưng Phú Thành ca, diễn đều chuẩn, có hồn, nhịp chắc; tạo ấn tượng rất tốt trong giới chuyên môn”, đạo diễn Kiều Mỹ Dung, người trực tiếp dàn dựng trích đoạn này, nhận xét. 

Quách Phú Thành trong trích đoạn Rạng ngọc Côn Sơn

Quách Phú Thành tiếp tục tỏa sáng, trở thành “điểm nóng” trong cuộc thi Hạt Ngọc mùa vàng 2015, thu hút hàng trăm thí sinh đến từ 19 tỉnh thành khắp cả nước. Trong 24 thí sinh xuất sắc của vòng sơ tuyển, Quách Phú Thành nhỏ tuổi nhất. Đêm chung kết, em là một trong 3 tài năng cải lương nhí được ban tổ chức khuyến khích ươm mầm phát triển. Cái tên Quách Phú Thành hiện đã được một số đơn vị nghệ thuật, du lịch chú ý, ngỏ lời cộng tác. Ngoài Quách Phú Thành, “vàng” còn lộ ra với các tên Nguyễn Thị Mai Thu, Kiều Thị Thảo Trinh, Thái Sỹ Ben, Ngọc Hương, Trần Bá Vạn, Huỳnh Thị Vân Anh…

“Các anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trung Nhị, Trần Quốc Toản, Nguyễn Trãi tiếp tục được các em trình diễn trong lễ khai giảng, tham dự Hoa phượng đỏ…”, thầy Thạch Chanh, Trưởng khoa Cải lương Trường Trung cấp VHNT Cần Thơ, cho biết.

Đừng để vàng rơi

Dự án SKHĐ ở Cần Thơ được triển khai trong dịp hè tại 3 điểm trường THCS và khoảng 60 em được các nghệ sĩ đoàn cải lương Tây Đô, Trường Trung cấp VHNT Cần Thơ truyền dạy bài bản tài tử, cải lương, vọng cổ, dàn dựng trích đoạn sân khấu, hóa trang, vũ đạo… Chỉ sau hơn hai tháng, từ chỗ hầu như chưa biết gì, các em đã có thể hát đúng và hát hay các bài bản khó (Dạ cổ hoài lang, Long Hồ hội, Nam xuân, Nam ai, Nam đảo, Vọng cổ…) và trình diễn rất sinh động những trích đoạn cải lương như: Tiếng trống Mê Linh, Rạng ngọc Côn Sơn, Trần Quốc Toản ra quân... Nhiều em còn được Cục Biểu diễn nghệ thuật và Sở VH- TT - DL Cần Thơ cấp giấy khen.

 

Ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT- DL), cho biết: “SKHĐ là chương trình phát triển văn hóa cấp quốc gia, đã được triển khai 15 năm qua trên gần 40 tỉnh thành và đạt được nhiều kết quả. Vừa qua cục đã nhận được đề xuất của Cần Thơ triển khai tiếp chương trình nhưng theo nguyên tắc mỗi năm chỉ triển khai ở một địa phương để “khởi động”, sau đó địa phương sẽ tiếp tục xã hội hóa để phát triển, mở rộng”.

 

Tiến sĩ Trần Văn Nam, Hiệu phó Trường Trung cấp VHNT Cần Thơ, nhấn mạnh: “SKHĐ đã góp phần giáo dục đạo đức, khơi gợi lòng yêu nước thông qua việc tiếp cận các loại hình nghệ thuật truyền thống; phát hiện tài năng trẻ, nhất là ở dòng nhạc cổ truyền, dân tộc; nâng cao giữ gìn giá trị văn hóa; tạo nguồn cho công tác đào tạo… SKHĐ nên tiếp tục được triển khai”.

Chương trình SKHĐ giúp phát lộ nhiều tài năng nghệ thuật dân tộc trẻ tuổi trên cả nước. Nhưng những tài năng đó phát triển đến đâu, trở thành “ngọc” hay không phụ thuộc rất nhiều vào những bước đi tiếp theo của các nhà quản lý văn hóa. Điều này càng cấp thiết khi không chỉ ở Cần Thơ mà hầu hết địa phương trong vùng tuyển nhân lực “đầu vào” cho các loại hình ca nhạc truyền thống (cải lương, vọng cổ…) ngày càng ít và khó. Theo bà Hồ Lâm Bạch Vân,  Phó Giám đốc Sở VH- TT- DL Cần Thơ, nếu các ngành chức năng không tiếp tục quan tâm sẽ mất dần tài năng sân khấu, cải lương. Sắp tới, Sở VH-TT-DL và Sở GD-ĐT sẽ phối hợp đề xuất với lãnh đạo TP Cần Thơ xin kinh phí để đầu tư sâu hơn, nhằm giúp các em tiếp cận các loại hình nghệ thuật truyền thống, qua đó, phát hiện tài năng trẻ trong lĩnh vực này.

“Nhiều em rất đam mê, có tiềm năng nhưng hoàn cảnh gia đình lại khó khăn. Có em sáng đến học, chiều đi bán vé số. Quách Phú Thành cũng đang ở với ông bà nội. Những tài năng được phát hiện rất cần có sự quan tâm đặc biệt. Quách Phú Thành hiện đang sinh hoạt trong Câu lạc bộ Đờn ca tài tử 3 thế hệ tại địa phương, thỉnh thoảng nhận ca trên sông với thù lao... 80.000 đồng”, bà Trương Thị Lệ Hằng, cán bộ văn hóa phường Long Tuyền, “mẹ nuôi” Quách Phú Thành kể lại.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục