Tín hiệu tích cực của du lịch Đông Nam Á

Sau 2 năm đình trệ do dịch Covid-19, ngành du lịch của nhiều quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu khởi sắc trở lại sau khi các quy định nhập cảnh và cách ly phòng dịch Covid-19 được nới lỏng. Tuy nhiên, một số nguồn khách du lịch lớn khó có thể quay lại ngay.
Khách quốc tế xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post
Khách quốc tế xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Lượng khách tăng đều

Ngành kinh doanh du lịch ở Thái Lan cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh sẽ có thêm một số quy định hạn chế nhập cảnh tiếp tục được dỡ bỏ từ ngày 1-5. Thông báo của chính phủ nước này vào cuối tháng 4 cho biết, xứ Chùa Vàng đã tiếp đón 713.183 lượt khách quốc tế kể từ đầu năm đến nay, trong đó có hơn 50% là khách du lịch.

Cơ quan Du lịch Thái Lan hy vọng có thể thu hút ít nhất 1 triệu khách du lịch/tháng vào cuối 2022 - khi thời kỳ cao điểm du lịch tiếp theo bắt đầu ở nước này. Mục tiêu 1 triệu khách du lịch/tháng tương đương với khoảng 30% lượng khách hàng trung bình hàng tháng của Thái Lan khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện.

Trong khi đó, việc xét nghiệm RT-PCR sẽ không còn là quy định bắt buộc đối với du khách Ấn Độ đến Malaysia từ ngày 1-5 nếu họ đã tiêm phòng đầy đủ vaccine Covid-19. Trước diễn biến tích cực này, giới chuyên gia dự tính trong vòng 3 tháng tới, số lượng các chuyến bay giữa Ấn Độ và Malaysia có thể trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tại Singapore, theo công ty kinh doanh dữ liệu du lịch ForwardKeys, lượng đặt chỗ cho các chuyến bay đến Singapore đã tăng 68% so với trước khi đại dịch bùng phát. Trong tháng 3 vừa qua, sân bay Changi của Singapore đã đón tiếp 1,14 triệu lượt hành khách tới làm thủ tục - lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu người kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Indonesia hồi tháng 3 vừa qua đã mở lại chương trình cấp thị thực khi đến cho du khách từ 23 quốc gia. Vào ngày 5-4, nước này cũng đã cấp thị thực nhập cảnh cho du khách từ 43 quốc gia. Một báo cáo của Nikkei Asia dẫn lời Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết, xứ vạn đảo đặt mục tiêu thu hút 1,8-3,6 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm nay. Du lịch ước tính sẽ đóng góp từ 470 triệu đến 1,7 tỷ USD cho dự trữ ngoại hối nước này.

Hạn chế

Trước đại dịch, ngành du lịch đóng góp khoảng 12% GDP (393 tỷ USD) của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Riêng ở Thái Lan và Campuchia, du lịch chiếm hơn 10% GDP và điều này làm cho việc phục hồi ngành du lịch trở nên quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của khu vực.

Ngành du lịch khu vực đóng vai trò quan trọng khi sử dụng 16 triệu lao động. Du lịch giúp hàng triệu người có thu nhập, cả trực tiếp và gián tiếp. Thế nhưng, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đại dịch đã đẩy 4,7 triệu người Đông Nam Á vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2021 (kiếm được ít hơn 1,9 USD/ngày). Báo cáo của ADB dự đoán rằng, du lịch quốc tế sẽ không thể hỗ trợ ngành du lịch của khu vực cho đến năm 2024, ngay cả khi nhiều nền kinh tế Đông Nam Á mở lại biên giới cho du lịch không cần kiểm dịch. Theo tờ Fortune, có hai nguồn khách du lịch chính của thị trường Đông Nam Á khó có thể sớm quay trở lại.

Thứ nhất là khách từ Trung Quốc, nguồn khách du lịch lớn nhất cho Thái Lan, lớn thứ hai cho Indonesia và lớn thứ ba cho Malaysia trước đại dịch. Hiện du khách Trung Quốc khó có thể ra nước ngoài vì theo quy định phòng chống dịch hiện nay, họ bị buộc phải cách ly hai tuần trong khách sạn.

Hai là, cuộc xung đột ở Ukraine cũng đe dọa đóng cửa các chuyến du lịch từ Nga, một nguồn khách du lịch lớn khác của Đông Nam Á. Trước đại dịch, khách du lịch Nga là nguồn thu lớn thứ ba của ngành du lịch Thái Lan. Các biện pháp trừng phạt đã khiến hàng ngàn khách du lịch Nga ở Thái Lan và Indonesia bị mắc kẹt vì không thể rút tiền ngoài sự chọn lựa thanh toán ngoài tiền mặt.

Tin cùng chuyên mục