Tín hiệu tích cực

Dù những tháng đầu năm, lượng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giảm, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn lại tăng so với cùng kỳ. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), 6 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tính chung cả cấp mới và tăng vốn là 6,85 tỷ USD, bằng 64,7% so với cùng kỳ 2013. Trong khi đó, vốn thực hiện trong 6 tháng đầu năm, ước tính đã giải ngân được 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Đây là tín hiệu tích cực về tình hình thu hút đầu tư FDI. Minh chứng rõ nhất là hiện nay một loạt dự án quy mô lớn như LG, Samsung, Formosa, Lọc hóa dầu Nghi Sơn… đang được các chủ đầu tư tập trung triển khai xây dựng. Cụ thể, dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, sau một thời gian dài chuẩn bị đã được khởi công xây dựng từ tháng 10-2013 và tính đến hết tháng 5-2014, dự án này đã giải ngân được 1,6 tỷ USD.

Việc tỷ lệ giải ngân vốn FDI tăng đã khẳng định năng lực tài chính, cũng như những cam kết của chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Điều quan trọng hơn, việc giải ngân nguồn vốn FDI tăng sẽ giúp các dự án triển khai đúng kế hoạch và đi vào hoạt động góp phần vào sự thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam. Dù tỷ lệ giải ngân vốn FDI tăng, nhưng những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, các thủ tục đầu tư xây dựng… vẫn tồn tại, cần sớm được tháo gỡ để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.

Bên cạnh đó, với những diễn biến phức tạp trên biển Đông, đặc biệt là việc một số đối tượng xấu lợi dụng việc tuần hành mít tinh phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam để gây rối, đập phá nhà máy của một số doanh nghiệp FDI xảy ra hồi giữa tháng 5 đã phần nào tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. Đây là những bài toán đặt ra với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thu hút dòng vốn đầu tư FDI thời gian tới.

Dù niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI và đẩy mạnh giải ngân dòng vốn này, hơn lúc nào hết Nhà nước cần có những giải pháp đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trước hết, phải tạo sự ổn định về an ninh, trật tự xã hội, nhất là có những đánh giá chính xác, toàn diện về những tác động của tình hình biển Đông đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, cũng như có giải pháp ứng phó.

Mặt khác, đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính về đầu tư như đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư; cải cách các chính sách thuế, hải quan… Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương sớm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư sớm có đất triển khai xây dựng dự án.

Ngoài ra, có những cải tiến về chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư như đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ, gắn việc mời gọi đầu tư với việc xây dựng niềm tin về môi trường đầu tư. Đồng thời, tăng cường đối thoại tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho nhà đầu tư.

GIANG ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục