Tín hiệu tích cực từ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới

Lần đầu tiên từ năm 2008, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đạt mức trên 13.000 điểm trong suốt ngày giao dịch 28-2 (rạng sáng 29-2, giờ Việt Nam). Trong khi đó, tại Nhật Bản, sản lượng công nghiệp của nước này cũng tăng 2% trong tháng 1, cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia. Những tín hiệu tích cực từ hai nền kinh tế lớn trên ít nhiều xua đi những thông tin ảm đạm về cuộc khủng hoảng nợ công mà châu Âu đang đối mặt.
Tín hiệu tích cực từ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới

Lần đầu tiên từ năm 2008, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đạt mức trên 13.000 điểm trong suốt ngày giao dịch 28-2 (rạng sáng 29-2, giờ Việt Nam). Trong khi đó, tại Nhật Bản, sản lượng công nghiệp của nước này cũng tăng 2% trong tháng 1, cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia. Những tín hiệu tích cực từ hai nền kinh tế lớn trên ít nhiều xua đi những thông tin ảm đạm về cuộc khủng hoảng nợ công mà châu Âu đang đối mặt.

  • Chứng khoán Mỹ nhộn nhịp trở lại

Hơn 1 tuần trước, chỉ số Dow Jones cũng chạm mức 13.000 điểm nhưng tụt giảm trong phiên giao dịch đóng cửa. Tuy nhiên, ngày 28-2, chỉ số Dow Jones giữ nguyên mức trên 13.000 điểm cho đến khi thị trường đóng cửa. Lần gần đây nhất, Dow Jones vượt mức 13.000 điểm là vào tháng 5-2008, 4 tháng trước khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, mở màn cho cuộc khủng hoảng tài chính quy mô toàn cầu.

Jack Ablin, người đứng đầu bộ phận đầu tư Ngân hàng Harris (Mỹ) cho rằng 28-2 là ngày quan trọng đối với niềm tin của nhà đầu tư. “Con số 13.005,12 đã chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng làm điêu đứng nền kinh tế Mỹ sẽ là dĩ vãng. Chúng ta đã trở lại”, Ablin nói.

Không chỉ có Dow Jones, chỉ số S&P 500 cũng tăng 9%, Russell 2000 tăng 11%. Đặc biệt, chỉ số công nghệ Nasdaq chưa bao giờ giao dịch mạnh như trong ngày 28-2 kể từ tháng 12-2000 do vỡ bong bóng cổ phiếu công nghệ cao, với mức tăng 14%. Brian Gendreau, nhà phân tích chiến lược thị trường của Tập đoàn tài chính Cetera, nhận định những tín hiệu tích cực này sẽ kéo các nhà đầu tư còn đang lưỡng lự trở lại thị trường và giao dịch sẽ nhộn nhịp hơn nữa trong thời gian tới.

Người dân tại Los Angeles (Mỹ) mua chiếc TV 60 inches của Samsung.

Người dân tại Los Angeles (Mỹ) mua chiếc TV 60 inches của Samsung.

Chỉ số Dow Jones tăng điểm mạnh trong bối cảnh người dân Mỹ cảm nhận được sự biến chuyển tích cực của nền kinh tế nước này. Conference Board, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, cho biết tỷ lệ niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức 70,8% trong tháng 2 (tháng 1 là 61,5%). Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm 5 tháng liên tiếp (lần đầu tiên từ năm 1994). Nền kinh tế đã tạo được 243.000 việc làm trong tháng 1 (một trong ba tháng có tỷ lệ việc làm được tạo ra tốt nhất từ năm 2006).

  • Sản xuất của Nhật Bản đang hồi phục

Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong tháng 1 vừa qua tăng 2%, cao hơn mức dự kiến được các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó là 1,5%. Có được kết quả này nhờ số lượng ô tô và sản phẩm điện tử bán ra tăng cao trong thời gian qua. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết sản lượng công nghiệp tăng cho thấy các dấu hiệu đi lên của nền kinh tế.

Một khảo sát mới đây được bộ trên tiến hành cho thấy sản lượng công nghiệp của Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng ở mức 1,7% trong hai tháng 2 và 3. Các cơ sở sản xuất ô tô và hàng điện tử của doanh nghiệp Nhật Bản tại Thái Lan sẽ tiếp tục khởi động tái sản xuất sau khi trận lụt tồi tệ tại Thái Lan năm ngoái ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Mặc dù theo khảo sát của Phòng thương mại Nhật Bản tại Bangkok (JCCB), khoảng 8% các doanh nghiệp đang hoạt động tại Thái Lan có ý định thoái vốn khỏi đất nước Chùa vàng nhưng 72% các nhà máy Nhật Bản tại Thái Lan đã khôi phục hoạt động từ tháng 12-2011 đến nay, còn lại 21% cho biết sẽ bắt đầu lại vào tháng 4 và 5 do phải nhập máy móc mới từ Nhật.

Sản xuất hồi phục sẽ góp phần giúp nền kinh tế Nhật Bản “tăng cường sức đề kháng”, chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế châu Âu đang phải vật lộn với nợ công.

EU rơi vào suy thoái lần 2?

Riêng châu Âu vẫn loay hoay với nợ công. Một ủy ban của EU vừa qua dự báo rằng EU sẽ rơi vào suy thoái lần thứ 2 trong 3 năm. Trong khi các chính phủ thành viên EU thống nhất tăng quỹ khẩn cấp lên 750 tỷ EUR nhưng đến nay chưa có đồng nào trong quỹ này vì đang chờ quốc hội các nước thông qua.

Vì lẽ đó, cuộc họp bàn về quỹ cứu trợ khẩn cấp dự kiến diễn ra ngày 2-3 của các nhà lãnh đạo EU, sau cuộc họp thượng đỉnh EU, đã hủy bỏ vào phút chót. Cuộc họp thượng đỉnh liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra vào lúc 17 giờ GMT ngày 1-3 tại Brussels chỉ bầu Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đồng thời xem xét đơn xin gia nhập EU của Serbia.

ĐỖ VĂN (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục