Tín nhiệm xã hội

Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa họp bàn về hệ thống giám sát các hoạt động Internet và các giao dịch tài chính của công dân mang tên hệ thống chấm điểm “uy tín xã hội”. Theo hệ thống này, hành vi của mỗi người cũng được xếp hạng như các định chế tín dụng.

Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa họp bàn về hệ thống giám sát các hoạt động Internet và các giao dịch tài chính của công dân mang tên hệ thống chấm điểm “uy tín xã hội”. Theo hệ thống này, hành vi của mỗi người cũng được xếp hạng như các định chế tín dụng.

Đây là một phần của kế hoạch lớn mà Chính phủ Trung Quốc muốn chuyển đổi cách kiểm soát Internet mang tên “Internet +” (Internet Plus). Chuyên gia nghiên cứu luật và chính sách truyền thông Trung Quốc, tiến sĩ Rogier Creemers thuộc Đại học Oxford, nhận định rằng “Internet +” cho thấy quan điểm quản lý Internet của Trung Quốc đang thay đổi dù nước này từng xem Internet là nhân tố gây mất ổn định. Từ giữa những năm 1990, Trung Quốc trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới với hệ thống tường lửa kiểm soát thông tin trên Internet, được ví như “Vạn lý Trường thành về công nghệ thông tin”. Vì vậy, thay vì Google, người Trung Quốc dùng Baidu; thay vì Twitter, họ dùng Weibo; thay vì Facebook, họ có WeChat.

Theo ước tính trong năm 2015 của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, hơn 2 triệu người được tuyển dụng trên khắp cả nước trong việc kiểm soát Internet với sự hỗ trợ của một nền tảng công nghệ cực kỳ tinh vi có khả năng phân tích lưu lượng truy cập web và ngăn chặn các công cụ được thiết kế để phá hoại nền tảng này. Tuy nhiên, tình hình cũng không phải là đơn giản khi một ngành công nghiệp trỗi dậy chuyên phục vụ cho những người muốn vượt tường lửa, với gần 200 công ty có trụ sở bên ngoài Trung Quốc.

Cũng theo ông Creemers, với “Internet +”, các nhà lãnh đạo đất nước hơn 1,3 tỷ dân này đang có cách tiếp cận quyết đoán hơn và đầy tham vọng. “Internet +” kết hợp kiểm duyệt với giám sát chặt chẽ hơn bằng việc đưa công nghệ thông tin vào hầu hết các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. “Internet +” dựa trên sự bùng nổ dữ liệu cá nhân thông qua điện thoại thông minh, các ứng dụng và giao dịch trực tuyến của người dân để cải thiện hành vi của công dân. Nói cách khác, hệ thống này sẽ tích cực sử dụng Internet để dõi theo cuộc sống từng công dân, từ hoạt động trên mạng và dữ liệu hoạt động kinh doanh cũng như dữ liệu hiệu suất ​​nghề nghiệp của mỗi đối tượng. “Internet +” cũng được hứa hẹn là tăng tính minh bạch, chống tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ. Những ai có nhiều hoạt động tốt trong xã hội sẽ được cộng điểm uy tín xã hội. Điểm số uy tín xã hội của một cá nhân có thể được sử dụng trong việc cấp hay không các dịch vụ xã hội, ngăn cản các cá nhân lừa đảo và phát hiện các hành vi phạm pháp. Cũng thông qua “Internet +”, Chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ giám sát các quan chức chính quyền và các doanh nghiệp địa phương nơi đang nảy sinh nhiều vấn đề khó kiểm soát từ trung ương.

Nhiều người dân Trung Quốc cho biết, họ quan tâm đến an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, tình trạng hàng giả và sự lộng quyền của các quan chức địa phương và nếu “Internet +” kiểm soát được vấn đề này, họ sẽ chào đón nồng nhiệt. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tranh luận về mục đích và phương tiện thực thi “Internet +” bởi nếu không khéo, sẽ là sự can thiệp quá mức vào cuộc sống riêng tư của hàng tỷ người.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục