Hôm nay, 21-5, tại Hà Nội, kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII khai mạc.
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2012 đang gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm đạt thấp, sức mua giảm sút, hàng hóa tồn kho lớn, hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất; người lao động mất việc làm tăng. Một loạt vấn đề khác cũng đang gây nhiều bức xúc trong xã hội như khiếu nại tố cáo, trong đó chủ yếu là khiếu nại tố cáo về đất đai gia tăng sau vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng; tình trạng cháy nổ xe chưa có lời giải; các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông chưa căn bản, đồng bộ, hiệu quả không cao, có giải pháp dự kiến đưa ra chưa sát thực tiễn, nhiều cử tri và nhân dân không đồng tình; dịch bệnh lạ chưa được chỉ rõ nguyên nhân; sau Vinashin, hàng loạt tập đoàn kinh tế nhà nước khác bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều sai phạm, nhiều vị trí trong lãnh đạo Vinalines đã bị truy tố; tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong các lĩnh vực và hoạt động liên quan đến đất đai, khoáng sản…
Đó là những vấn đề nóng chắc chắn sẽ được đặt ra tại chương trình nghị sự lần này. Và đó cũng là những quan tâm, trông đợi của cử tri, nhân dân cả nước tại kỳ họp đầu năm 2012 này.
Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân tại kỳ họp này cũng đã nêu rõ, trông đợi đầu tiên của cử tri cả nước chính là mong Quốc hội, Chính phủ có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Đó cũng chính là đòi hỏi bức thiết nhất hiện nay của xã hội, không để nền kinh tế lâm vào cảnh suy giảm, đình đốn, tồn kho nặng nề, sức mua giảm sút, doanh nghiệp phải chịu cảnh phá sản, còn người lao động chịu cảnh mất việc.
Trông đợi thứ hai của cử tri tại kỳ họp này, đó là Quốc hội sớm ban hành Luật về tiếp công dân và sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Đây là nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là trong bối cảnh hiện nay, các vụ khiếu nại tố cáo về đất đai chiếm tới 80% mà nguyên nhân chính là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập; việc thu hồi đất chưa bảo đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi...
Mỗi kỳ họp Quốc hội đều gắn với những vấn đề “nóng”của xã hội. Hiển nhiên, những cử tri, người dân cũng đặt niềm tin, trông đợi Quốc hội sẽ bàn thảo, đưa ra những quyết sách quan trọng để giải quyết những vấn đề nóng đó. Nắm bắt được đầy đủ những bức xúc trong các tầng lớp nhân dân sẽ giải được những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Cử tri và nhân dân luôn mong Quốc hội quan tâm hơn nữa đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của mình, đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, giám sát công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Để không phụ sự trông đợi của người dân, hơn ai hết, các đại biểu Quốc hội cần thực hiện tốt chương trình hành động của mình, thường xuyên giữ mối liên hệ và dành nhiều thời gian tiếp dân, tiếp xúc với cử tri; nêu gương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh và dũng khí trong đấu tranh phòng chống tiêu cực.
THÀNH VINH