* BRICS cáo buộc các vụ do thám điện tử “giống như các biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố”
Một loạt tờ báo phương Tây vừa tiết lộ, các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh đã bẻ khóa hệ thống mã hóa, vốn bảo vệ một phạm vi rộng các thông tin liên lạc trực tuyến gồm thư điện tử (e-mail), giao dịch ngân hàng và các cuộc điện thoại, trò chuyện trực tuyến.
Theo tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cung cấp cho các tờ báo The New York Times, Guardian và ProPublica (tổ chức độc lập phi lợi nhuận chuyên điều tra nghề báo), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Trung tâm Kiểm soát viễn thông của Chính phủ Anh (GCHQ) có thể giải mã dữ liệu ngay cả khi chúng được mã hóa. Báo Sueddentsche (Đức) còn cho biết NSA không chỉ phá mã mà còn ký kết các thỏa thuận bí mật với các công ty bảo mật và các nhà cung cấp Internet.
Theo các báo trên, NSA và GCHQ đã dùng nhiều biện pháp, trong đó có việc sử dụng các siêu máy tính, để thực hiện việc phá mã này. Với các công ty an ninh mạng hay nhà cung cấp Internet, NSA ký các thỏa thuận bí mật để mở các “cửa hậu” đặc biệt trong các chương trình bảo mật của mình, cho phép cơ quan này theo dõi dữ liệu. Tuy nhiên, tài liệu không nêu tên các công ty an ninh mạng này.
Theo ProPublica, NSA đã cố gắng bẻ khóa hệ thống mã hóa Internet trong hơn 1 thập niên qua sau khi không thể bắt các công ty công nghệ cung cấp “chìa khóa” của hệ thống này. Còn theo The New York Times, dù khả năng bẻ khóa này có thể được sử dụng để phá các âm mưu khủng bố song cũng làm suy yếu mức độ đảm bảo an toàn cho thông tin. Báo chí cũng lưu ý rằng giới chức tình báo Mỹ đã yêu cầu hai tờ The New York Times và ProPublica không đăng bài về chủ đề trên vì lo ngại các mục tiêu nước ngoài sẽ chuyển sang dạng mã hóa mới hoặc loại hình liên lạc mới khó thu thập hay giải mã hơn.
Tuy nhiên, ProPublica đã quyết định đăng báo vì tầm quan trọng của thông tin này với công chúng. Nếu thông tin mới được tiết lộ là chính xác thì chương trình tuyệt mật trên sẽ đánh bại gần như hoàn toàn hệ thống bảo mật dữ liệu và sự riêng tư trên Internet, từ thư điện tử tới các cuộc trò chuyện trên mạng hay thông tin liên lạc bằng điện thoại thông minh.
Các phản ứng trước tiết lộ trên, lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang họp tại Nga đã bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về chương trình do thám và hoạt động gián điệp của Mỹ chống lại một số quốc gia, trong đó có các thành viên của BRICS. Lãnh đạo BRICS cho rằng các vụ do thám điện tử và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác về cơ bản “giống như các biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố”.
Phát biểu trên kênh truyền hình Nước Nga Ngày nay bên lề hội nghị, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra liên quan tới các cáo buộc NSA đã bí mật theo dõi ông và trừng phạt những ai chịu trách nhiệm.
Hạnh Chi