Tinh giản biên chế

Dự thảo tờ trình Chính phủ Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đã đưa ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 tinh giản khoảng 100.000 biên chế đã có nhiều ý kiến góp ý, được dư luận quan tâm. Các ý kiến đã cho thấy sự kỳ vọng, đòi hỏi của xã hội về việc cần tổ chức bộ máy nhà nước sao cho khoa học, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia.

Vừa qua, chúng ta đã thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, đã đem lại những kết quả nhất định nhưng chưa đạt được mục tiêu làm gọn bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thật sự tinh nhuệ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ máy nhà nước nhìn chung cồng kềnh, tổng biên chế tăng, không ít đơn vị biên chế tăng gấp đôi, một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức không đáp ứng yêu cầu. Thu nhập của cán bộ công chức có tăng do chính sách tiền lương, phụ cấp công vụ và thực hiện khoán biên chế, chi phí hành chính nhưng không đáng kể, không hấp dẫn và không đủ sức thu hút người giỏi vào làm việc cho khu vực nhà nước. Hiện nay, tốt nghiệp đại học vào làm việc cho nhà nước có mức lương khởi điểm là 2.34, thạc sĩ là 2.67. Còn cán bộ không chuyên trách ở cấp phường của thành phố là 1.86 suốt đời.

Theo mong muốn của nhiều người, nghị định lần này không chỉ là kế thừa Nghị định 132 là khuyến khích người về hưu trước tuổi và thay thế những người không đáp ứng yêu cầu mà thực chất không giảm được định biên. Cần hướng đến vấn đề có tính căn cơ là khắc phục cho được sự cồng kềnh, chồng chéo và giảm cho được định biên. Trên cơ sở làm rõ chức năng nhiệm vụ của tổ chức, bộ máy, của từng vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh công chức, bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Phân rõ việc gì trung ương làm, việc gì của địa phương, cơ sở làm, việc gì để cho tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân làm mà nhà nước không phải “ôm” vào. Mặc khác, cần khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin - thực hiện Chính phủ điện tử, vừa công khai, minh bạch, vừa làm giảm biên chế, tiết kiệm lao động xã hội và qua đó góp phần tăng thu nhập cho cán bộ công chức.

Theo góp ý, lần này Chính phủ cần có đề án, tập hợp các chuyên gia trong nước và cũng có thể mời chuyên gia nước ngoài tham gia. Làm sao tính cho hết những đầu việc nhà nước cần làm, những vị trí việc làm cần có cán bộ công chức, có phân công, phân cấp rành mạch. Các chế độ lương, thu nhập cũng đảm bảo công bằng, minh bạch.

Vấn đề tinh giản biên chế là vấn đề khó vì đụng chạm đến con người. Tinh giản biên chế gắn với tổ chức bộ máy, gắn với việc hoàn thiện hệ thống chính trị, vấn đề đòi hỏi liên quan đến sửa đổi chính sách pháp luật mà phạm vi một nghị định khó có thể đáp ứng những yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, nếu bắt mạch đúng vấn đề, có hướng đi và giải pháp căn cơ sẽ tạo được sự đồng thuận và sự bứt phá. Quan trọng là không chỉ từ lãnh đạo ở từng đơn vị phải cương quyết mà cấp trên cũng phải cương quyết. Trong thực tế thì các địa phương không có quyền quyết định về cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước, không tự tăng biên chế, chức danh… Phải có một sự đồng bộ trong nhận thức và hành động, phải có chính sách, có lộ trình… và có quyết tâm làm cho bằng được.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đang đề xuất Đề án thí điểm xây dựng mô hình Chính quyền đô thị. Với đề án này, tổ chức bộ máy sẽ được xây dựng theo hướng bớt tầng nấc trung gian, chức trách nhiệm vụ của cán bộ công chức sẽ rõ ràng, nhất là thẩm quyền của người đứng đầu. Hy vọng, đề án sẽ được thành phố đề xuất cụ thể hơn và được trung ương xem xét cho phép triển khai nhằm thực hiện chức năng chính quyền phục vụ dân ngày càng tốt hơn.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục