Sắp xếp lại tổ chức, bộ máy dưới xã/phường/thị trấn tại TPHCM:

Tinh gọn đầu mối, giảm trợ cấp từ ngân sách

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả), TPHCM đang triển khai sắp xếp lại tổ chức, nhân sự dưới xã/phường/thị trấn.
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp (ảnh), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM, xung quanh nội dung này.
Tinh gọn đầu mối, giảm trợ cấp từ ngân sách ảnh 1
Đánh giá từ cơ sở

- PHÓNG VIÊN: Việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy dưới xã/phường/thị trấn được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí NGUYỄN HỮU HIỆP: Thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ chức, bộ máy dưới xã/phường/thị trấn, Thành ủy đã khảo sát, lấy ý kiến đánh giá từ cơ sở. Từ nhiều năm qua, TPHCM tồn tại mô hình, tổ chức, bộ máy và nhân sự dưới xã/phường/thị trấn theo đặc điểm quy mô dân số đông và lịch sử tổ chức dân cư đô thị từ trước ngày 30-4-1975. Trong khi phần lớn các địa phương trong cả nước thực hiện mô hình dưới xã là ấp, thôn, bản, dưới phường là tổ dân phố, thì ở TPHCM dưới xã là ấp, dưới phường là khu phố; đồng thời có hệ thống chân rết dưới ấp là tổ nhân dân, dưới khu phố là tổ dân phố. Hiện nay, Thành ủy TPHCM đang triển khai đến các quận/huyện sắp xếp lại theo mô hình dưới xã chỉ có ấp (không có tổ nhân dân), dưới phường/thị trấn có các tổ dân phố (không có khu phố).

- Mục tiêu của việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy và nhân sự dưới xã/phường/thị trấn đặt ra là gì?

Mục tiêu của việc sắp xếp lại tổ chức, nhân sự theo hướng tinh gọn về đầu mối để giảm định suất hưởng trợ cấp từ ngân sách, góp phần tiết kiệm chi. Quy mô tổ dân phố ở phường sẽ có số hộ dân lớn hơn trước rất nhiều, mỗi tổ sẽ có từ 350 đến 600 hộ dân. Sự thay đổi về tên gọi và cấu trúc này kéo theo sự thay đổi về tổ chức, nhân sự và phương thức hoạt động của tổ chức đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội dưới phường/xã/thị trấn. Theo quy định của Đảng, hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước. Như vậy, quá trình sắp xếp lại tổ chức dưới xã/phường/thị trấn sẽ có sự thay đổi về tên gọi và theo đó, tên gọi của chi bộ đảng, ban công tác mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội gắn với tên của ấp, tổ dân phố.

- Việc thay đổi này sẽ giúp giảm như thế nào về tổ chức, nhân sự dưới xã/phường/thị trấn, thưa đồng chí?

- Sẽ giảm rất lớn về đầu mối, tổ chức ở dưới xã/phường/thị trấn. Toàn thành phố hiện có 1.604 khu phố với 20.118 tổ dân phố, tới đây sẽ không còn khu phố và tổ dân phố giảm chỉ còn hơn 7.000 (giảm gần 75%). Khu vực ngoại thành có 404 ấp với 5.705 tổ nhân dân, thì tới đây sẽ không còn tổ nhân dân. Sau khi chính quyền tiến hành sắp xếp, vấn đề đặt ra là làm công tác tư tưởng nhuần nhuyễn trước khi tiến hành sắp xếp tổ chức.

Tăng trách nhiệm

- Việc thay đổi này đặt ra cho phương thức, nội dung hoạt động của tổ chức đảng, MTTQ và đoàn thể chính trị, xã hội phải thay đổi như thế nào, thưa đồng chí?

Phương thức, tổ chức phải đi theo với mô hình hoạt động. Việc sắp xếp lại tổ chức ở dưới xã/phường/thị trấn bước đầu sẽ gặp khó khăn, lúng túng trong việc bố trí nhân sự. Thực tế những người đang hưởng phụ cấp các chức danh dưới xã/phường/thị trấn chủ yếu mang tính động lực, tinh thần tích cực, gắn bó, trách nhiệm với tổ chức của mình. Về phương thức hoạt động của tổ chức đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội về cơ bản không có thay đổi gì lớn. Vấn đề là chọn người trên địa bàn dân cư là phải có vai trò của cấp ủy đảng, phải chọn đúng người với trách nhiệm cao hơn. Người tổ trưởng tổ dân phố tới đây trách nhiệm sẽ nặng nề hơn với số hộ dân có thể lên tới vài trăm hộ gia đình.

Tinh gọn đầu mối, giảm trợ cấp từ ngân sách ảnh 2 Cán bộ Ban Điều hành khu phố 2, phường 9, quận 3 vận động các hộ kinh doanh không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên tuyến đường Hoàng Sa
Vai trò của cấp ủy đảng ở đây sẽ rất quan trọng trong việc lựa chọn những người làm tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ấp và đứng đầu các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội. Mỗi đảng viên sinh sống ở khu dân cư trách nhiệm cũng sẽ lớn hơn, phải gắn với dân nhiều hơn; cán bộ, công chức ở xã/phường/thị trấn cũng sẽ phải làm kiêm các chức danh của Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội ở ấp và tổ dân phố. Qua đây, làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở cơ sở gắn với địa bàn dân cư. Làm tốt việc này, Đảng ta mới thực sự gắn bó máu thịt với nhân dân.

- Như vậy, ấp và tổ dân phố có là “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở xã/phường/thị trấn như trước kia chúng ta thường gọi hay không?

 - Ở nước ta, tổ chức hành chính là 4 cấp, nhưng để tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị theo lời dạy của Bác “gần dân, sát dân”, hệ thống tổ chức của tổ chức chính trị được kéo dài đến đơn vị tế bào (chi bộ, đảng bộ bộ phận), gồm: trung ương, tỉnh/thành phố, quận/huyện, xã/phường/thị trấn và ấp/thôn/tổ dân phố. Các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội cũng gắn với mô hình và tổ chức này, được thể chế hóa bằng điều lệ và quy định hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội. Mô hình dưới xã có ấp, thôn, dưới phường có tổ dân phố vẫn tiếp tục giúp chính quyền cơ sở sát dân hơn, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến dân thông suốt.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Tại TPHCM, đảng bộ phường/xã/thị trấn hiện có 4.918 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với 116.970 đảng viên; trong đó có 2.529 chi bộ, đảng bộ khu phố, ấp với 79.438 đảng viên. Tổ chức chính trị và đoàn thể ở khu phố/ấp gồm: 2.008 ban công tác mặt trận với 14.898 thành viên; 1.998 chi đoàn thanh niên với 28.673 đoàn viên; 2.033 chi hội phụ nữ với 826.944 hội viên; 622 chi hội nông dân với 74.274 hội viên; 2.211 chi hội cựu chiến binh với 58.469 hội viên; 2.034 chi hội Chữ thập đỏ với 169.601 hội viên; 2.060 chi hội người cao tuổi với 436.563 hội viên; 2.104 chi hội khuyến học với 590.450 hội viên.

                                            (Nguồn: Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM)

Tin cùng chuyên mục