“Lạm phát cấp phó” là cụm từ được nhiều ý kiến lưu ý trong các phiên thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi hay việc tăng chi ngân sách... ở kỳ họp Quốc hội lần này. Điều khiến nhiều người băn khoăn là với số lượng cấp phó quá nhiều đang làm cồng kềnh bộ máy và tốn kém ngân sách.
Thực tế cho thấy tại các bộ hiện đang có số thứ trưởng lên đến 5 - 6 người, thậm chí có bộ còn nhiều hơn, trong khi đó quy định của Chính phủ không quá 3 người. Đặc biệt ở cấp phòng, ban thuộc các vụ, viện, sở, ngành..., số lượng cấp phó quá đông. Có những phòng, ban chỉ gồm 7 người mà gồm: 1 trưởng phòng, 3 phó phòng, 3 chuyên viên. Thậm chí có những phòng ban gồm 1 trưởng, 3 phó và 1 nhân viên. Người chỉ đạo thì đông, người thực hiện thì ít nên dẫn đến công việc chậm tiến độ, thiếu linh hoạt, bởi muốn làm việc gì hay xử lý một sự vụ phải đi theo quy trình cấp trưởng chuyển cấp phó phụ trách, cấp phó tiếp tục chuyển nhân viên thực hiện. Khi giải quyết xong vấn đề thì nhân viên lại theo ngược quy trình trên chuyển cho cấp phó xem, cấp phó lại chuyển cấp trưởng quyết định. Thế là một công việc hay một sự vụ không lớn lắm cũng mất vài ba ngày nếu như các lãnh đạo bao giờ cũng có mặt ở cơ quan, còn lãnh đạo đi họp hành suốt còn phải lâu hơn nữa.
Cả nước hiện có khoảng 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp. Tính ra có khoảng 139.000 cấp trưởng và số cấp phó gấp vài lần số cấp trưởng. Cứ tính mỗi cấp phó hàng năm ngân sách chi thêm khoảng 30 triệu đồng phụ cấp chức vụ, diện tích phòng làm việc, điện, nước… thì với 139.000 cấp phó đã phải chi hơn 4.000 tỷ đồng. Đó mới chỉ tính con số tối thiểu cho 1 cấp phó mà số tiền phải chi từ ngân sách đã lớn như vậy.
Nguyên nhân “lạm phát cấp phó” hiện nay rất nhiều, nhưng chung quy lại với lý do công việc nhiều, quản lý nhiều ngành và lĩnh vực nên cần cấp phó để phụ trách chuyên sâu. Thậm chí có ý kiến cho rằng với số lượng cấp phó hùng hậu như thế nhưng vẫn không đủ để phân công lãnh đạo đi dự họp. Điều này cho thấy trong hoạt động công vụ hiện nay của các cơ quan nhà nước chưa thực sự chuyên nghiệp và tinh gọn. Thực tế tại rất nhiều cơ quan, các vị cấp phó chỉ chuyên nghề đi họp, lĩnh vực phụ trách của các cấp phó chồng chéo, giẫm chân nhau. Ngoài ra, trong công tác cán bộ hiện nay cũng có tình trạng tiêu cực trong việc bổ nhiệm, đề bạt hoặc chạy chức, khiến cấp phó tăng một cách lạm phát là điều dễ hiểu.
Do đó muốn hạn chế được tình trạng này, trước hết phải mạnh dạn thay đổi hoạt động công vụ bằng cách giao khoán công việc, cụ thể hóa vị trí việc làm, nâng trách nhiệm của cán bộ trong công tác, đổi mới việc họp hành.
VĂN THY HOÀNG
(Phòng GD-ĐT Hội An, Quảng Nam)