Thương cảng Phố Hiến

Tinh hoa kiến trúc Tây-Đông

Tại bến phà cũ Yên Lệch, ngày 8-11-2007, lễ động thổ xây bến tàu du lịch Phố Hiến cùng với mức đầu tư 51 tỷ đồng của tỉnh Hưng Yên để khôi phục toàn bộ di tích văn hóa nơi một “thương cảng quốc tế” hình thành từ thế kỷ 13, phát triển huy hoàng giữa thế kỷ 17 rồi lụi tàn dần vào thế kỷ 19.

“Nhất kinh kỳ, nhì phố Hiến”, danh phận xếp thứ hai sau Thăng Long “Kẻ chợ”, không chỉ vì phố Hiến là một thương cảng quốc tế với hàng trăm thương hiệu tàu bè các nước vào ra, thông qua các thương điếm giao thương với Thăng Long qua tuyến thủy sông Hồng, mà đó còn là nơi thể hiện các tinh hoa kiến trúc Tây-Đông qua nhà phố, nhà tre thuần Việt và 60 công trình di sản văn hóa cùng 100 bia ký ghi lại những bước đi của thời “mở cõi Đàng Ngoài”.

Tiêu biểu kiến trúc phương Đông, bắt đầu từ dinh Hiến Nam, một ngôi nhà ngói xây theo hình “chén úp” nơi phố Thiên Triều” tức khu phố thương mại tập trung của người Trung Hoa, tiếp đến là chùa Hiến xây từ thời hậu Lê ở xã Hàng Châu và chùa Pháp Vân xây từ đời Trần ở xã Lạc Hồng đều theo chủ đề “nội công, ngoại quốc”.

CÔNG QUỐC là theo cách viết tượng hình chữ Hán, trong 2 gạch ngang tiền, hậu đình, giữa có sổ dọc thẳng như hình chữ công, ngoài xây vách 4 góc vuông như hình chữ quốc. Chùa có 2 mái chồng và ống để thoát khói hương trầm. Riêng chùa Phú Thị thì xây theo chủ đề chữ ĐINH theo kiểu chồng diêm, với 4 hàng cột lim, trên xà ngang cửa chính được bài trí khung gỗ chạm đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”.

Sau phố buôn, chùa là đền. Đền Phượng Hoàng ở Phù Cư lại xây theo hình chữ TAM-3 gạch xếp hàng-đầu cột trụ tạo hình búp sen, kiến trúc theo lối chống diêm đấu xen, cột hàng hiên chạm hoa dây leo. Đền Đa Hòa thờ Chữ Đồng Tử kiến trúc theo hình “cửa võng”, một công trình gỗ chạm khắc tinh vi, nơi còn giữ được một bảo vật, đó là “Lọ Bách Thọ”, một bình gốm trên có chạm 100 chữ thọ, mà không chữ nào giống chữ nào.

Kiến trúc Việt thể hiện rõ nét nơi đền Mây và chùa Chuông, nhưng quan trọng và lý thú, đó là ngôi dinh thấp bằng tre và nứa theo kiểu nhà rường cổ Việt do hai giám mục người Pháp là Deydier và De Bourger xây ở phía Bắc phố Hiến mà sau này có giả thuyết cho rằng, chính trên cái nền cũ đó lại được xây thành nhà thờ Phố Hiến theo kiểu Gô-tích của phương Tây.

Di sản kiến trúc của Phố Hiến lại còn mang nhiều giai thoại lịch sử, tỷ như đền Đào Nương thờ ả đào Đào Thị Huệ, có công dựng mưu giúp vua Lê Lợi tiêu diệt quân Minh. Nói chung là một phố Hiến đầy ắp chủ đề kiến trúc và giai thoại văn hóa lịch sử.

Lê Văn Sâm

Tin cùng chuyên mục