“Xe buýt cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa để phát triển chứ không thể để èo uột như một đứa trẻ suy dinh dưỡng như hiện nay” - đó là nhận định của nhiều chuyên gia về giao thông.
Hiệu quả thấp
Nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, TPHCM xuất ngân sách để trợ giá xe buýt, qua đó khuyến khích đầu tư phát triển xe buýt và kéo giảm giá vé cho hành khách. Tổng kinh phí trợ giá từ năm 2005 bình quân khoảng 500 - 600 tỷ đồng/năm, đến năm 2012 tăng lên trên 1.400 tỷ đồng/năm. Sau hơn 10 năm hoạt động, đến nay, xe buýt chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trợ giá xe buýt theo 3 lĩnh vực gồm tuyến xe buýt phổ thông, đưa rước học sinh - sinh viên và công nhân theo hình thức hợp đồng. Kinh phí trợ giá hằng năm tăng chủ yếu tiền lương nhân công (chiếm 40%) và nhiên liệu 20% - 30%. Tức lương cơ bản từ năm 2008 đến năm 2012 tăng 620.000 - 2.350.000 đồng/người/tháng (tăng 379%). Giá nhiên liệu tăng nên chi phí hoạt động 1km tăng 18% mỗi năm, gấp 2 lần so với năm 2008.
Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai - Trường Đại học Bách khoa TPHCM, 10 năm qua tiền trợ giá tăng lên hơn 3 lần, năm 2013 dự kiến 1.500 tỷ đồng với khoảng 1,5 triệu hành khách/ngày, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại. Tính ra tiền trợ giá bình quân năm 2012 là 4.320 đồng/hành khách. Sự chênh lệch về hiệu quả của trợ giá TP là rất lớn. Nguyên nhân do tiêu chí trợ giá chưa chuẩn (tính theo số hành khách), phương pháp trợ giá chưa tốt (trợ giá trực tiếp), hiệu quả vận chuyển hành khách còn thấp. Ngoài ra, khâu tổ chức vận chuyển chưa thích hợp, cả về mạng lưới, phương tiện... Chính vì thế, cần khẩn trương tổ chức lại mạng lưới vận chuyển để nâng cao công năng vận chuyển của xe buýt trên 50%, xây dựng cơ cấu giá vé với nhiều loại vé, nhất là học sinh, sinh viên, người lao động và người thu nhập thấp (chiếm khoảng 70% hành khách đi xe).
Về nguyên nhân chính khiến tiền trợ giá cho xe buýt tăng đột ngột, ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, lý giải do nhiên liệu và tiền lương cơ bản liên tục tăng, trong khi 2 yếu tố này chiếm hơn 70% tổng chi phí hoạt động của xe buýt. Tình trạng xe buýt hoạt động ngày càng èo uột có nhiều nguyên nhân, phần do chính sách hỗ trợ đầu tư còn hạn chế nên chưa thu hút nhà đầu tư; cơ sở hạ tầng chật hẹp, đường không vỉa hè, không có làn đường dành riêng cho xe buýt, chưa hạn chế được phương tiện cá nhân… Đặc biệt, tình trạng thiếu bến bãi dẫn đến thiếu các đầu mối trung chuyển, thu gom khách làm lượng khách sụt giảm đáng kể. Theo thống kê của Sở GTVT, tổng diện tích dành cho bến bãi theo quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020 là 81ha nhưng diện tích hiện có chỉ 17ha, diện tích còn lại chưa biết khi nào mới có.
Trợ giá trực tiếp hay gián tiếp?
Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, tiền trợ giá không phải cho chủ xe mà trợ giá cho hành khách, nếu không có khoản tiền này, giá vé rất cao, điều gì xảy ra ai cũng biết, người dân sẽ dùng phương tiện xe máy và tình trạng ùn tắc giao thông sẽ tái diễn trở lại. Tuy tiền trợ giá mỗi năm đều tăng cao nhưng lượng khách cũng tăng. Cụ thể, năm 2002 có 57 triệu lượt hành khách, đến năm 2012 là 599 triệu lượt hành khách, tăng gấp 10 lần nhưng so với nhu cầu thực tế còn thấp: nếu như năm 2002 chỉ đáp ứng 1,1% nhu cầu đi lại thì năm 2012 là 10,6%.
TS Võ Kim Cương phân tích, trợ giá xe buýt là liều thuốc cần thiết và phù hợp với mục tiêu quản lý đô thị. Mục tiêu cạnh tranh của xe buýt là xe gắn máy. Như vậy làm sao để người dân không đi xe gắn máy, không mua xe hơi và phải chọn xe buýt là phương tiện giao thông chính hàng ngày.
Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, sở sẽ tiếp tục điều chỉnh, sắp xếp lại luồng tuyến, đảm bảo đúng giờ, đúng tuyến, không phụ thuộc vào hành khách được chở, dịch vụ tốt nhất. Cốt lõi làm sao tăng được lượng hành khách đi xe chứ không thể hạn chế trợ giá. Nếu muốn giảm trợ giá thì phải tăng doanh thu mà đã là vận tải công cộng thì khó đạt doanh thu cao. Nguồn thu phải từ các dịch vụ kèm theo như quảng cáo, dịch vụ bến bãi…
| |
QUỐC HÙNG