Ông Đặng Minh Cơ, nguyên Bí thư chi bộ khu phố 5, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM dắt chúng tôi đi trên con đường Lâm Văn Bền.
“Nhiều năm về trước, đây từng là con đường kinh hoàng khi còn là bến chợ tấp nập ghe thuyền. Gái mại dâm, mua bán ma túy, đánh nhau… diễn ra như cơm bữa. Con nít không dám cho chơi gần đó vì sợ giẫm phải kim tiêm. Có những năm, khu phố xảy ra đến gần 30 vụ trộm cắp, mại dâm, thậm chí có khi chỉ trong một ngày mà cơ quan chức năng đã bắt đến 13 đối tượng mua bán ma túy tại một điểm trên địa bàn khu phố. Đường sá thấp nên triều cường lên là ngập lênh láng. Nước sạch thiếu thốn trầm trọng… Giờ thì khác lắm rồi, chỉ trong năm nay mà khu phố đã có thêm 17 hộ xây nhà lầu khang trang”, ông Cơ phấn khởi khoe. Theo tay ông chỉ, những căn nhà lầu san sát mọc lên thẳng tắp, đường sá được quét dọn sạch sẽ.
Ông Cơ cho biết thêm: “Nhìn khu phố ngổn ngang, tệ nạn mà buồn lắm. Dẫn biết rằng khu phố chỉ là một phần rất nhỏ trong quận 7 đang trên đà đô thị hóa mạnh mẽ, nhưng muốn làm gì thì làm cũng phải bắt đầu từ cơ sở nếu muốn thay đổi bộ mặt quận. Thế là chúng tôi cùng xắn tay áo”.
Lúc ấy, kể cả ông, lực lượng nòng cốt của khu phố chỉ có khoảng 10 người, hầu hết là cán bộ hưu trí, tiền bạc không bao nhiêu. Nhưng ai cũng sẵn có tấm lòng, thế là bắt tay xây dựng khu phố. Bước đầu là đi vận động, xin đất của quận, xin tiền của dân xây cho được một nhà văn hóa của khu phố để làm nơi hội họp, sinh hoạt. Rồi nhà văn hóa khu phố ra mắt khang trang với diện tích hơn 120m2, được trang bị loa, bàn ghế, quạt… đầy đủ. Mọi người lại bắt tay động viên những người lầm lỡ: N.D đi cai nghiện ma túy xong về lại địa phương được giới thiệu đi học may. Một thời gian, D. nghiện lại, lại được đưa đi Nhị Xuân cai.
Giờ D. trở về, ban ngày đi học lái xe, ban đêm làm dân quân, tích cực hỗ trợ truy quét những đối tượng phạm pháp từ các nơi khác tập kết về khu phố. Sau khi đi tù về, bà T. không quay lại con đường thầu đề ngày xưa nữa mà chí thú làm ăn đàng hoàng… Nhiều hộ khó khăn thoát nghèo đã quay lại đóng góp công sức cho khu phố bằng những việc làm thầm lặng.
Không ai nhớ hết được có bao nhiêu cuộc đời đã lành lại, chỉ biết rằng đã nhiều năm liên tục khu phố không còn mại dâm, không ma túy, không phát sinh tụ điểm cờ bạc.
Giữa ồn ào tính toán của cuộc sống, khu phố vẫn còn có những con người sống nghĩa tình, cùng xắn tay chăm lo cho trẻ em nghèo. Thấy nhiều em ở khu phố và ở nơi khác đến không biết đọc biết viết, các cô chú ở khu phố lại đi vận động mở lớp tình thương cho các em. Từ lớp học tình thương đầu tiên ngoài trời, dưới bóng cây nhãn trước nhà ông Cơ, nay khu phố đã duy trì được 5 lớp học tình thương (từ lớp 1-5) liên tục hàng năm cho các em.
Từ những lớp học tình thương, nhiều em đã tự tin vào đời: Lê Trung Vinh, Trần Thị Bảo Châu theo học từ lớp 1 đến lớp 5, quá tuổi học cấp II nên được giới thiệu tiếp đi học nghề. Giờ, Vinh làm nghề sửa xe với lương tháng 1,5 triệu đồng, Châu làm nghề hớt tóc với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Từ bệ đỡ xóa mù chữ của những lớp học tình thương này, các em: Kim Hồng, Tuyết Lan, Quang Huy tiếp tục theo học cấp II, em Thành Đạt theo tiếp đến cấp III. Các em hiện đều học khá và thường xuyên được cấp học bổng để hỗ trợ học tập
HỒNG HIỆP