Tình nguyện khuyến đọc: Lan tỏa văn hóa đọc

Nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, nhiều tổ chức khuyến đọc đã có những bước phát triển đột phá, đưa sách đến tay bạn đọc bằng nhiều mô hình và dạng đọc khác nhau.

Sáng 28-4, tại đường sách Nguyễn Văn Bình (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM), Hội Xuất bản Việt Nam, Đường sách TPHCM phối hợp cùng NXB Trẻ thực hiện đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: "Hoạt động tình nguyện khuyến đọc: Thực trạng và giải pháp". 

Buổi tọa đàm nhằm tổng kết lại những chặng đường mà các tổ chức, hội nhóm thực hiện công tác xã hội tình nguyện khuyến đọc trong năm vừa qua, đồng thời đưa ra một hướng đi mới cho các tổ chức khuyến đọc.

Chương trình có sự tham gia của nhà văn Dương Thành Truyền – Chủ tịch HĐQT NXB Trẻ, TS Quách Thu Nguyệt – Phó Giám Đốc công ty Đường Sách, cùng với các cơ quan, các đại diện hội, nhóm thiện nguyện khuyến đọc và nhiều độc giả trẻ.

Nhà văn Dương Thành Truyền cho biết: "Tình nguyện khuyến đọc là một hoạt động hết sức ý nghĩa, có các nhóm thiện nguyện khuyến đọc hoạt động 2 năm, cũng có nhóm gần 20 năm. Đó là những tập thể, cá nhân làm cho sách có thể đến với nhiều người, đến với trẻ em, trường học, cộng đồng, đặc biệt là những nơi vùng sâu, vùng xa. Sách chạy, sách chuyền tay, sách buýt, tủ sách giáo dục và giải trí, sách và hành đồng, tiếp bước tương lai... đều mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Có thể nói, đó là tâm huyết của những người đang sống với sách, họ yêu sách và làm cho sách trở nên gần gũi hơn với bạn đọc".

Tình nguyện khuyến đọc: Lan tỏa văn hóa đọc ảnh 1 Buổi tọa đàm thu hút nhiều nhà chuyên môn, độc giả tham dự
Được biết, từ năm 2018 đến nay, nhiều tổ chức khuyến đọc đã có những bước phát triển đột phá, đưa sách đến tay bạn đọc bằng nhiều mô hình và dạng đọc khác nhau như mô hình phát triển thói quen trong cộng đồng, mô hình thư viện cộng đồng, tổ chức các chuỗi các sự kiện, truyền thông sách cho đến trao tặng sách tại các trường đại học, các trường trên 63 tỉnh, thành cả nước.

Những tổ chức thiện nguyện được ví như là những người chiến sĩ thầm lặng, đem tình yêu và sự hứng thú đọc sách đến với nhiều bạn đọc, lan tỏa văn hóa đọc. Bằng chứng là các tổ chức, hội nhóm thiện nguyện khuyến đọc đã nhận về nhiều sự phản hồi tích cực của độc giả.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, anh Phạm Ngọc Hoàng Huy, đại diện nhóm "Sách chuyền tay" cho biết: "Trước khi bắt tay vào thực hiện công việc khuyến đọc, đưa sách đến với bạn đọc, chúng tôi đã nhận thấy đây là một công việc không dễ dàng. Tạo được sự yêu thích và hứng thú trong việc đọc sách giống như sự nghiệp "trồng người", không phải 1 đến 3 năm là có thể làm được mà cần phải có một khoảng thời gian 15 năm hay 30 năm".

Tình nguyện khuyến đọc: Lan tỏa văn hóa đọc ảnh 2 Nhiều ý kiến được chia sẻ tại buổi tọa đàm để hướng đến hoạt động tình nguyện khuyến đọc ý nghĩa, thiết thực hơn
Đích đến của các hoạt động thiện nguyện khuyến đọc là có thể tác động đến độc giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau, các cơ quan tổ chức, các mạnh thường quân để có thể chung tay đưa văn hóa đọc lan tỏa trong cộng đồng. Tuy nhiên, con đường để thực hiện lại vô cùng khó khăn và đặt ra nhiều thách thức cho các nhóm.

Bạn Thúy Ngân, đại diện nhóm "Tiếp bước tương lai" chia sẻ: "Nhóm đã hoàn thành dự án đưa sách đến cộng đồng trên 63 tỉnh, thành của cả nước, đến với 66 trường THPT, 70 buổi wrokshop với gần 12300 người trẻ tham dự. Đó là một niềm vui và cũng là thách thức rất lớn đối với nhóm, bởi các địa điểm của nhóm là các trường THPT ở vùng sâu, vùng xa và việc liên hệ với các trường lại là vấn đề nan giải".

Ngoài những thách thức về vị trí, thì việc tìm kiếm nguồn nhân lực và làm sao để mọi người biết đến nhóm, hoạt động của nhóm cũng là một điều hết sức khó khăn đối với các bạn thực hiện công tác khuyến đọc hiên nay.

Bạn Ngọc Loan, đại diện nhóm "Sách và hành động" chia sẻ: "Việc tìm kiếm nguồn nhân lực cho nhóm là một điều hết sức khó khăn vì nhóm không chỉ hoạt động tại TPHCM mà còn ở Cần Thơ. Một số bạn đến với nhóm không chịu nổi áp lực nên đã từ bỏ. Có một số trường, khi nhóm tìm đến để xin thực hiện công việc tặng sách thì bị từ chối bởi nhà trường chưa biết, chưa nghe đến tên của nhóm. Đó cũng là một thách thức đặt ra cho nhóm".

Có thể thấy, những bạn trẻ, những người có đam mê về sách đã và đang từng bước hoạt động tích cực, đưa sách gần hơn đến bạn đọc, lan tỏa văn hóa đọc không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn tại các địa phương trên cả nước.

Tình nguyện khuyến đọc: Lan tỏa văn hóa đọc ảnh 3 Buổi tọa đàm thu hút nhiều độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ
Tại buổi tọa đàm, TS Quách Thu Nguyệt khẳng định: "Hôm nay là ngày 28-4, là ngày cuối cùng để chúng tôi khóa hoạt động kỷ niệm lần thứ 6 Ngày sách Việt Nam. Khóa ở đây không phải là đóng, mà là mở ra một hướng đi mới để cho các nhóm vì cộng đồng này tiếp tục phát triển bền vững, xây dựng được tính chính danh của các nhóm, các cá nhân, tổ chức, dự án. Họ cần được đào tạo về nguồn nhân lực, công nghệ và tài chính. Sự tiếp sức của Hội xuất bản là rất quan trọng. Đó sẽ là những hướng đi mới để những cộng đồng này phát triển và tiếp tục sứ mệnh của mình. ".

Tin cùng chuyên mục