Tính nhân văn giữa những điều bình dị

Vòng xoay của nhịp sống hiện đại cùng cuộc cách mạng 4.0, công dân số trở thành từ khóa trên toàn cầu. Thử thách hội nhập quốc tế, đời sống số cùng những tác động ngoại cảnh, vẫn còn đó một giá trị văn hóa con người, một bản sắc Việt giàu tính nhân văn giữa những điều bình dị. 
NSND Kim Cương và NSƯT Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VH-TT cùng các em thiếu nhi tại chương trình Trái tim yêu thương. Ảnh: THÚY BÌNH
NSND Kim Cương và NSƯT Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VH-TT cùng các em thiếu nhi tại chương trình Trái tim yêu thương. Ảnh: THÚY BÌNH

Ấm tình nhân ái

Sau những ngày “mưa bão” của cuộc chiến chống dịch Covid-19, sự sẻ chia bây giờ không chỉ là những phận đời nhọc nhằn, cảnh nhà thiếu thốn…, mà còn có những an ủi và điểm tựa tinh thần cho các em nhỏ không may mất đi người thân trong cơn dữ dội của đại dịch. 

Tại buổi xem xiếc ở công viên Gia Định vào dịp Trung thu, các em nhỏ thì háo hức chờ đợi chú hề, tiết mục ảo thuật, còn người lớn thì ấm lòng với nụ cười con trẻ hồn nhiên. Đây là hoạt động nằm trong chương trình Trái tim yêu thương, do NSND Kim Cương và một số đơn vị tổ chức, để chăm lo các em nhỏ mất người thân vì dịch Covid-19. NSND Kim Cương bày tỏ: “Tuổi thơ mà vắng cha hay mẹ đều là mất mát lớn và mất đi người thân giữa đại dịch là nỗi buồn khó mà nguôi ngoai một sớm một chiều. Mỗi lần gặp mấy cháu, tôi đều muốn nói chuyện với các cháu thật nhiều, để các cháu yên tâm rằng, mọi người luôn bên cạnh các cháu và hỗ trợ các cháu trong việc học hành và cuộc sống”.

Đâu đó trong nhịp sống hiện đại, những thử thách vô hình làm xô lệch giá trị nhân văn, khi câu chuyện lợi dụng lòng tốt trở thành những kịch bản phim ngắn để câu view (lượt xem) nhan nhản trên mạng xã hội. Nhìn lại mình và gia đình vẫn lành mạnh sau cơn dữ dội của đại dịch, Minh Duy (28 tuổi, ngụ quận 10) cùng nhóm bạn lên kế hoạch gửi dụng cụ học tập cho các em nhỏ mất người thân. Hơn 50 phần quà, mấy quyển tập, bút chì màu, tập vẽ tranh… được Minh Duy cùng nhóm bạn gói lại cẩn thận, kèm dòng chữ nhỏ: “Học tốt nhé!”. Minh Duy chia sẻ: “Từ cuối năm 2021 đến giờ, khoảng 2 tháng một lần, tôi và mấy người bạn chung tay mua mớ tập, viết cho mấy em nhỏ đi học. Phần lớn mấy đứa nhỏ ở ngoại thành, nhà khó khăn, ba là trụ cột chính trong nhà nhưng mất vì dịch, nên chút tập, sách để đi học, tụi nhỏ cũng mừng lắm”.

Gần 10 năm học tập và lập nghiệp ở TPHCM, cũng phải hơn 5 năm gắn bó với quán cơm 2.000 đồng (đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10), Phạm Nguyên Tuấn (29 tuổi, ngụ quận 10) cho biết: “Hồi sinh viên tới quán ăn cơm, bữa nào trống lịch học thì phụ mấy cô chú rửa chén. Bây giờ, đi làm rồi thỉnh thoảng tôi vẫn giữ thói quen đến quán phụ mọi người dọn dẹp, tháng nào thu nhập khá chút đỉnh thì tôi gửi vào tài khoản chung của quán để cùng mọi người duy trì quỹ hoạt động. Kể ra thì mình may mắn được học hành, có việc làm tốt ở nơi này, vậy là trọn vẹn quá rồi, cũng nên làm chút gì đó giúp người khác còn khó khăn”.

Và thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 trong cộng đồng, TPHCM chịu ảnh hưởng nặng nề, quán cơm 2.000 đồng tạm đóng cửa, Nguyên Tuấn nhận nguyên liệu về nhà và nấu từng bữa ăn cho các hộ dân đang chịu cách ly ở gần khu vực mình ở. Tuấn kể: “Lúc đó, tôi cũng làm việc tại nhà và số lượng công việc cũng giảm đi hơn 30%, nên nhận một phần rau củ, thịt cá ở quán cơm về nhà nấu, để gửi cho mấy hộ đang chịu cách ly gần khu nhà tôi ở. Một vài bữa ăn cũng không đáng là bao nhiêu, nhưng mọi người cảm động lắm, lúc hết dịch gặp nhau cảm ơn hoài mà tôi ngại luôn”.

Nâng niu điều tử tế

“Em chạy xe này bị cướp, bị đâm 4 lần rồi đó. Lần khác, em bị nạn vì cứu khách. Em không cần khách đền gì cho em, nhưng mà buồn ghê, một lời thăm hỏi cũng không có… Mấy bà trong xóm cứ nói em không hơn ai mà giờ bày đặt làm chuyện bao đồng. Em nghe tai này qua tai kia thôi, nhưng tội má em phải nghe hoài. Giờ em thả chị xuống rồi tắt app đi vòng vòng chở mấy ông bà già đây. Nhiều người khổ vậy chứ cũng đòi trả tiền, nhưng thôi, tiền đó sao mà lấy cho được”. Lời chia sẻ từ chị Trang Hứa, một trong những vị khách của anh tài xế công nghệ tên Thiện ở TPHCM hay nhận chở miễn phí cho người già, người khuyết tật, được trang Fanpage Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp (hơn 61.000 lượt theo dõi) của Quận đoàn 6 kể lại. Một câu chuyện nhỏ mà nghe vừa nghẹn, vừa xúc động. 

Tính nhân văn giữa những điều bình dị ảnh 1 Câu chuyện đẹp được chia sẻ trên Fanpage Sài Gòn tánh kỳ
Cũng trang Fanpage ấy kể lại câu chuyện dưới đây, được dẫn nguồn từ Cổ động: “Lúc 13 giờ 50 phút hôm qua, có một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng. Anh shipper bị tuột dây buộc mấy khay đựng bánh bao, khiến hàng trăm cái bánh đổ hẳn ra đường. Trong chớp mắt, có 1-2 chiếc xe đứng lại, nhanh chóng giúp thu gom bánh và xếp gọn sang bên đường. Ở phía sau 2-3 chiếc ô tô vẫn đứng yên, bình lặng chờ đợi, không hề có cãi vã, lớn tiếng và tiếng còi xe nào cả!”. 

Còn rất nhiều câu chuyện từ những con người lao động bình dị trong cuộc sống, đọc hết sức dễ thương, đậm tình: chuyện “người hùng” cứu bé gái trong ngôi nhà bốc cháy; chuyện nhóm “Team Lee” phục dựng hơn 200 bức ảnh chân dung liệt sĩ, chuyện bà cụ vô gia cư lần đầu tiên được khoác váy cưới, chuyện nhóm Verygood cắt tóc miễn phí cho bà con quận 6… “Đọc xong thấy yêu đời ghê! Chúc những người tử tế luôn mạnh khỏe và yêu đời. Người tốt làm việc tốt thì sớm hay muộn cũng gặp được điều tốt” (tài khoản Bảo Nguyễn); “Những hành động và cử chỉ cao đẹp của những người nhân hậu” (tài khoản Nguyễn Thị Kim Anh)… Bên dưới các bài viết của trang, rất nhiều những bình luận để lại như thế.

Bên cạnh Fanpage Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp, có hàng chục trang mạng xã hội khác do chính các bạn trẻ tạo nên, duy trì đang từng ngày, góp nhặt, sẻ chia những điều bình dị trong cuộc sống để nhắc nhớ mọi người về tình yêu cuộc sống, động viên lối sống tử tế, tích cực, lạc quan. Đó là trang Sài Gòn tánh kỳ (từ năm 2018, hiện có hơn 130.000 lượt theo dõi) chia sẻ những câu chuyện “bao đồng” giúp đỡ người khác nơi thành phố đầy tình người này; trang Cổ động (hơn 471.000 lượt theo dõi), Chuyện của Sài Gòn (hơn 231.000 thành viên)…

Chị Nguyễn Thị Nhã Uyên (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) bày tỏ: “Giữa một rừng thông tin cướp giết hiếp, lừa đảo, tin giả lên ngôi mạng xã hội, khiến ai cũng ngao ngán, thì khi đọc được những câu chuyện nhỏ dung dị từ các trang của bạn trẻ, thấy còn nhiều điều tử tế quanh mình quá. Những câu chuyện không đao to búa lớn, không xa xôi mà vô cùng dung dị và đượm tình người, tình đời. Như mạch nước ngầm, cứ thế chuyện đời thường tử tế lan tỏa khắp nơi”.

PHAN THỊ LAN ANH, Bí thư Đoàn Kho bạc TPHCM, Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM:  Để những câu chuyện tốt lan tỏa mạnh mẽ

Những thông tin xấu, độc xuất hiện ngày càng nhiều, khó kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới nhận thức, lối sống, hành vi của các bạn trẻ. Do đó, việc tích cực tuyên truyền những tin tốt, câu chuyện đẹp trên mạng xã hội hiện nay hết sức cần thiết. Điển hình như cuộc vận động Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp là hoạt động truyền thông với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, qua những hình ảnh đẹp hay câu chuyện mang các giá trị nhân bản, lối sống nhân văn nhằm tạo xu hướng tích cực trên mạng xã hội, giúp “cạnh tranh” và lấn át những thông tin xấu, độc hại. 

Tuyên truyền những câu chuyện đẹp trong đời sống hàng ngày không nhất thiết phải “đao to búa lớn”. Việc thực hiện cũng cần kiên trì, bền bỉ, dần dần tạo thay đổi tích cực trong nhận thức, lối sống và hành vi. Cần tích cực truyền thông qua nhiều kênh khác nhau để lan tỏa cái tốt, cái đẹp. Hãy để những câu chuyện tốt lan tỏa mạnh mẽ, rung động đến những góc khuất sâu nhất tâm hồn con người. 

Tin cùng chuyên mục