Bao giờ cũng vậy, khi chiến sự sắp đến hồi kết, người ta hay bàn đến việc ổn định, cứu trợ và tái thiết như là những ưu tiên của buổi giao thời. Mặc dù chưa ai biết sau khi chế độ của nhà lãnh đạo Gaddafi sụp đổ thì việc xây dựng lại Libya sẽ được tiến hành như thế nào, song những ngày này người ta hay bàn đến thái độ và cách thức xử lý của cơ quan điều hành mới đối với những mối quan hệ từng rất “thâm tình” với chính phủ cũ.
Ngày 6-9, Abdelhakim Belhadj, chỉ huy chính lực lượng nổi dậy tại thủ đô Tripoli, yêu cầu Chính phủ Anh và Mỹ phải có lời xin lỗi vì đã từng bắt bớ, tra tấn vì nghi ngờ ông cùng nhiều nhân vật đang chỉ huy cuộc nổi dậy tại Libya hiện nay là những phần tử khủng bố có liên hệ với mạng lưới Al Qaeda. Theo AFP, cách đây vài ngày, người ta tìm thấy rất nhiều tài liệu liên quan đến quá trình hợp tác của các cơ quan tình báo Mỹ và Anh là CIA và MI6 với cơ quan tình báo Libya, theo đó ông Belhadj, từng là một thành viên chủ chốt của nhóm Hồi giáo chiến đấu ở Libya, cùng với một chỉ huy cấp cao, bị CIA liệt vào danh sách đen. Ông này bị bắt giữ tại châu Á, bị tra tấn tại các cơ sở của CIA ở nước ngoài trước khi bị bí mật dẫn độ về Libya giao cho chính quyền ông Gaddafi tiếp tục tra tấn tại nhà tù Salim Abu.
Yêu cầu có một lời xin lỗi cho thấy tiết lộ “CIA và MI6 từng là bạn của ông Gaddafi” đã chọc giận các nhà lãnh đạo trong chính quyền lâm thời của Libya. Trong khi Washington dường như còn lúng túng khi chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về phát hiện này thì Thủ tướng Anh David Cameron đã miễn cưỡng ủng hộ quyết định mở lại cuộc điều tra nhưng chống lại việc đưa ra xét xử.
Những bước đi đầu tiên nhằm “xử lý” các mối quan hệ “cũ” của chính quyền chuyển tiếp ở Libya đang làm nhiều quốc gia sốt ruột trong cuộc chạy đua tìm lời bảo đảm từ chính phủ mới ở Tripoli. Có lẽ cấp tập nhất trong những ngày qua là Trung Quốc, khi mà chỉ riêng các công ty quốc doanh của nước này đã bị lỗ tới 625 triệu USD sau chiến sự ở Libya. Trong khi chưa chính thức thừa nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) là chính phủ hợp pháp của Libya nhưng ngày 24-8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố tôn trọng sự chọn lựa của nhân dân Libya và hối thúc Libya bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc ở nước này. Có lẽ Nga cũng trong tâm trạng sốt ruột tương tự như Trung Quốc vì hai nước này không hậu thuẫn mạnh mẽ cho phe nổi dậy Libya.
Thông tin mấy ngày qua đang làm mất mặt Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy là từ tháng 4, NTC đã ký thỏa thuận sẽ cho Pháp khai thác 35% nguồn dầu thô của nước này. Dư luận khẳng định đó là lý do Pháp ủng hộ hết mình cho phe nổi dậy trong cuộc chiến Libya vừa qua.
Quốc gia nào cũng cần tìm lợi ích cho mình qua việc hợp tác kinh tế với nước khác. Đó là chuyện bình thường. Nhu cầu tái thiết Libya sau cuộc chiến vừa qua có thể mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng dường như phải theo nguyên tắc luận công và tội mà hành xử. Xem ra cuộc đua bây giờ không chỉ giữa các nước tham gia cuộc chiến Libya với các nước bỏ phiếu trắng nghị quyết cấm vận Libya dẫn đến cuộc không kích của NATO vào nước này, mà còn là cuộc đua giữa các nước cùng chiến tuyến.
XUÂN HẠNH