Tỉnh táo với “bẫy” lãi suất vay tiêu dùng

Các thủ tục cho vay dễ dàng, lãi suất ưu đãi để mua xe, điện thoại, máy tính các loại… chính là sức hút đối với người tiêu dùng. Một số công ty tài chính còn có dịch vụ thẻ tín dụng cho vay tiền mặt.

Thế nhưng, do ít hiểu biết, không tìm hiểu kỹ hợp đồng nên nhiều khách hàng mắc bẫy, ôm cả đống nợ. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) tiếp tục cảnh báo, khách hàng nên tỉnh táo trước các chiêu trò chào mời vay tiêu dùng đầy hấp dẫn nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. 

Tỉnh táo với “bẫy” lãi suất vay tiêu dùng ảnh 1 Những thông tin quảng cáo cho vay tiêu dùng được dán tràn lan trên đường phố
 Thông tin mập mờ

Số liệu thống kê sơ bộ từ các cơ quan chuyên trách cho thấy, hơn 10 năm qua, lĩnh vực cho vay tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng cao, khoảng 20%/năm, với quy mô trên 646.000 tỷ đồng, phục vụ hơn 20 triệu lượt khách hàng Việt Nam. Các chuyên gia tài chính nhận định, tốc độ tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng tiếp tục đạt mức tốt trong thời gian tới (dự báo từ 25% - 30%). Đồng nghĩa với việc thị trường này còn tiếp tục “nóng”.

Theo đó, ngoài những công ty tài chính uy tín, tư vấn thông tin đầy đủ cho khách hàng cũng sẽ có những công ty “ăn theo” với mục đích làm giàu nhanh chóng, tìm vội khách hàng sau đó để khách… tự bơi trong đống nợ nần. Một trong những vụ việc gây bức xúc dư luận gần đây là Công ty D. lôi kéo khách mua mỹ phẩm lên tới hàng chục triệu đồng, thông qua việc vay mua trả góp. 

Trong thông báo phát đi từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã chỉ ra rằng, các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng có xu hướng tăng về quy mô, mức độ phức tạp, khả năng gây ảnh hưởng lớn, thậm chí là nghiêm trọng tới quyền lợi của người tiêu dùng. Qua so sánh, đối chiếu mức lãi suất của các ngân hàng và công ty tài chính (đối với cho vay mua hàng trả góp), trong khi ngân hàng có mức lãi suất từ 10% - 25%/năm thì công ty tài chính dao động từ 55% - 85%/năm...

Đáng chú ý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng ghi nhận các trường hợp khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc nhân viên tư vấn cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Ví dụ, khi tư vấn, nhân viên cam kết mức lãi suất chỉ từ 1% - 2%/tháng, nhưng thực tế, mức lãi suất thể hiện trên hợp đồng đến 6%/tháng. Trong thời gian gần đây, có hiện tượng nhân viên tư vấn mạo danh tên của ngân hàng để giới thiệu dịch vụ cho vay.

Thực tế, sau khi kiểm tra hợp đồng đã ký kết, người tiêu dùng mới nhận thấy khoản vay là do công ty tài chính cung cấp với mức lãi suất khá cao. “Nếu vay số tiền nhỏ, trong thời gian ngắn sẽ không có gì đáng bàn, nhưng nếu số vay lên tới vài chục triệu đồng thì rất… đắng”, anh Lê Thương Phải (ngụ tại Tô Hiến Thành, quận 10) nói. 

Chủ động bảo vệ mình

Một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng dễ “nhắm mắt ký liều” các hợp đồng vay tiêu dùng là do thiếu hiểu biết, tin tưởng vào nhân viên tư vấn… Chưa kể, tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhân viên thường hối thúc khách hàng nhanh chóng ký mà không để họ có thời gian nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng. Sau khi ký kết hợp đồng cho vay tín dụng, nhân viên từ chối giao bản hợp đồng gốc, không cho người vay sao chụp hợp đồng…

Trong những trường hợp này, nhân viên thường nại ra lý do như phải chuyển hợp đồng về công ty để đóng dấu, hẹn sẽ chuyển theo đường bưu điện cho người tiêu dùng sau. Thêm nữa, khi để xảy ra khiếu nại, người tiêu dùng luôn bị đùn đẩy trách nhiệm; thậm chí, có trường hợp bị quấy rối, đe dọa.

Trước thực tế này, mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra văn bản (số 3436/NHNN-TTGSNH) yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống. Bởi thời gian gần đây, nổi cộm xảy ra các vụ liên quan đến cho vay và đòi nợ theo kiểu “khủng bố” khách hàng. 

Tuy nhiên, với tình hình cho vay tiêu dùng đang nở rộ như hiện nay, biện pháp hữu hiệu nhất chính là tăng cường nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng tài chính cho người tiêu dùng. Vừa qua, tại một hội thảo liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật sư Nguyễn Văn Hậu đã có khuyến cáo đến người dân trong việc tự trang bị kiến thức, hiểu biết cơ bản đối với một số giao dịch tài chính để có thể bảo vệ mình. Nếu cảm thấy nghi ngờ, không hiểu về các nội dung hợp đồng chuẩn bị ký thì tốt nhất không nên ký và có thể hỏi trực tiếp nhân viên tư vấn hoặc các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo rằng, để tránh “bẫy” lãi suất cũng như rắc rối thường gặp phải khi vay tiêu dùng, người tiêu dùng cần hiểu rõ đầy đủ nội dung thông tin cơ bản của hợp đồng vay (mức lãi suất, thời gian vay, quy định về trả nợ trước hạn, mức phạt trả chậm...) và chỉ ký hợp đồng sau khi nắm rõ, nhìn rõ các thông tin thể hiện trên hợp đồng. Sau khi ký hợp đồng, yêu cầu cung cấp bản sao hoặc sao chụp bản hợp đồng đã ký để lưu giữ. Khi phát sinh tranh chấp, nên ưu tiên sử dụng các hình thức liên hệ có lưu vết. Ví dụ như gửi email, gửi thư qua bưu điện; biết thông tin liên hệ của các cơ quan quản lý nhà nước để phản ánh, khiếu nại khi có sự vụ phát sinh… 

Tin cùng chuyên mục