Tình yêu qua những trang sách viết cho con

Trong chương trình giao lưu ra mắt sách Cảm ơn một khúc bình yên của nhà văn Võ Thu Hương tại Đường sách TPHCM mới đây, những người tham gia thích thú khi sân khấu xuất hiện thêm cô bé Bống - nhân vật chính của cuốn sách. Đây cũng chính là cuốn sách mở đầu cho cuộc thi “Mỗi bà mẹ đều có thể viết sách” do thương hiệu Chibooks tổ chức, diễn ra từ tháng 1-2020 đến tháng 1-2021. 
Nhà văn Võ Thu Hương cùng con gái - nhân vật chính trong cuốn sách Cảm ơn một khúc bình yên
Nhà văn Võ Thu Hương cùng con gái - nhân vật chính trong cuốn sách Cảm ơn một khúc bình yên

Ai cũng có thể viết sách 

Cảm ơn một khúc bình yên (Chibooks và NXB Văn hóa - Văn nghệ) của nhà văn Võ Thu Hương như một cuốn nhật ký ghi lại quá trình khôn lớn của Bống - cô con gái bé bỏng qua con mắt của người mẹ. Sách tái hiện sinh động những câu chuyện đời thường giàu cảm xúc giữa Bống cùng mọi thành viên trong gia đình và những người xung quanh từ khi mới sinh ra, tới khi “tốt nghiệp” lớp Một. 

Trước nhà văn Võ Thu Hương, có rất nhiều bà mẹ cũng viết sách cho con. Có thể kể đến tác giả không chuyên Hà Ngọc Nga với bộ sách Bé con của mẹ ơi (First News và NXB Tổng hợp), lấy cảm hứng từ chính con trai của chị.

Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý với Sao con hỏi mà con kiến không trả lời? (First News và NXB Tổng hợp), tập hợp 121 mẩu chuyện mang đến những câu chuyện dung dị, bổ ích và thấm đẫm yêu thương xung quanh 3 đứa con của mình.

Trương Huỳnh Như Trân với tản văn Khi quá buồn, hãy tưới nước cho một cái cây (NXB Kim Đồng) mang đến những tâm tình, thủ thỉ giữa mẹ và con gái xung quanh cuộc sống hàng ngày của hai mẹ con.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty sách Chibooks, sách của các bà mẹ viết sách cho con hiện nay ở Việt Nam rất ít, vì phần lớn các bà mẹ thường không có thời gian để viết. Thêm vào đó, có thể mọi người đang nghĩ rằng việc viết cho con như là viết nhật ký, chưa nhiều giá trị để có thể in thành sách.

“Tuy nhiên, theo chúng tôi thể loại sách mẹ viết cho con vẫn mang tính giáo dục cao, được đúc kết từ trải nghiệm, kinh nghiệm của những ông bố - bà mẹ trong quá trình nuôi dạy con. Vì vậy, việc các bà mẹ tự viết ra sẽ giúp những câu chuyện trở nên chân thực, thuyết phục hơn; từ đó, giúp các ông bố - bà mẹ khác khi đọc sẽ cảm thấy như là mình trong đó”, bà Lệ Chi cho biết. 

Nhà văn Võ Thu Hương cũng đồng tình với ý kiến trên, kèm thêm nhắn nhủ: “Nếu vượt qua được suy nghĩ mình có viết được sách hay không, nếu thấy mình có thể viết được, thì lúc đó sẽ cảm thấy đó là đề tài thuận tay nhất của mình. Bởi vì với những đề tài khác, nhiều khi phải tưởng tượng, phải dày công nghiên cứu thì việc chăm sóc con diễn ra hàng ngày. Bên cạnh đó, thế giới trẻ thơ có rất nhiều câu chuyện hay mà mình không viết thì rất uổng”. 

Tiềm năng 

Một mặt thừa nhận dòng sách này vừa mang tính giáo dục vừa mang tính giải trí, nhưng theo bà Nguyễn Lệ Chi, thị trường của dòng sách này hiện nay chưa có thể nói được nhiều vì dòng sách này vẫn còn ít.

“Nếu sau này có thể phát triển thêm thì những ông bố - bà mẹ thông qua việc đọc những cuốn sách này cũng như đọc chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết chăm sóc con cái, cũng có thể hỗ trợ được nhau thì tôi nghĩ dòng sách này sẽ có cơ hội để phát triển”, bà Lệ Chi tâm sự.

Bố cũng viết sách cho con

Không chỉ có những bà mẹ mới hào hứng tham gia viết sách cho con, nhiều ông bố cũng hưởng ứng nhiệt tình và để lại ấn tượng qua những đầu sách được đông đảo độc giả đón nhận.

Quà của bố (Phương Nam và NXB Phụ Nữ) của Trần Đình Dũng phát hành lần đầu vào năm 2010, cho đến nay vẫn tiếp tục tái bản.

Sau các cuốn sách Chuyện con chuyện cha; Dạy con, dạy cha mới đây tác giả Phúc Lai vừa ra mắt thêm cuốn sách thứ ba Chuyện cha con, chúng ta là “đồng bọn” (NXB Phụ Nữ).

Ở vào tuổi 60, nhà thơ Lê Minh Quốc lần đầu được làm cha, và để ghi dấu giai đoạn đặc biệt này, anh ra mắt tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến (NXB Văn hóa - Văn nghệ).

Trước đó nữa, dịch giả Lâm Vũ Thao cũng ra mắt sách Thư cho con từ phòng họp (NXB Kim Đồng). 

Ngoài ra, có một lý do để dòng sách viết cho con từ các tác giả trong nước có tiềm năng phát triển, đó chính là xu hướng các ông bố - bà mẹ càng ngày càng quan tâm đến quá trình nuôi dạy con. Bà Lệ Chi chỉ ra: “Việc áp dụng kiến thức từ các đầu sách nước ngoài cũng bổ ích, nhưng vẫn có những cách dạy con phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam, thì chỉ có những tác giả Việt Nam viết ra mới đủ sức truyền cảm và hướng dẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái một cách toàn vẹn nhất, xác thực nhất”. 

Trước đó, nhiều đầu sách của các bà mẹ Việt Nam viết cho con cũng nhận được sự quan tâm và có những con số phát hành ấn tượng như: Khi quá buồn, hãy tưới nước cho một cái cây của Trương Huỳnh Như Trân, ngoài nhận giải Sách hay hạng mục Sách thiếu nhi năm 2018, còn được tái bản lần thứ 3 với 4.500 cuốn đã đến tay bạn đọc. Bộ sách Bé con của mẹ ơi của tác giả Hà Ngọc Nga hay bộ sách Susu và Gogo của nhà văn Dương Thụy cũng được tái bản nhiều lần sau khi phát hành. Đây cũng có thể là tín hiệu khả quan để các đơn vị tham khảo. 

Theo nhà văn Trương Huỳnh Như Trân, nuôi dạy con là một quá trình các bà mẹ vận dụng rất nhiều kỹ năng và phát hiện ra những năng lực mới mẻ của bản thân mình. Việc ghi chép lại những kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình đó rất hữu ích cho những bà mẹ đi sau.

“Một điều tuyệt vời khác nữa là khi sinh con ra và đồng hành cùng con từ những ngày thơ bé, đã gây dựng trong trái tim người mẹ nguồn cảm hứng bất tận. Nguồn cảm hứng đó cùng những câu chuyện kỳ thú với đứa con của mình sẽ giúp các mẹ tạo nên tác phẩm thật hay và khác biệt. Vì mỗi đứa trẻ đều là một sự khác biệt, một “siêu phẩm” độc đáo trên đời của bà mẹ”, nhà văn Trương Huỳnh Như Trân bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục