Nghề phê bình ở ta hầu như tự học, nhà phê bình ở ta gần như tự phong. Dù dăm ba năm nay, Học viện Âm nhạc quốc gia đã mở thêm môn phê bình cho khoa lý luận nhưng thực tế vẫn không có mã ngành mã nghề đào tạo phê bình âm nhạc. Sinh viên tốt nghiệp khoa lý luận không ai có chứng chỉ bằng cấp chuyên ngành phê bình. Vì thế, nếu dựa vào bằng cấp, chẳng bói đâu ra một nhà phê bình chuyên nghiệp.
Một khi việc tự học là tùy ở mỗi người thì chuẩn mực về tính chuyên nghiệp ra sao cũng tùy người. Sẽ chẳng đi đến đâu nếu ta không nhất trí với nhau đôi điều về từ “chuyên nghiệp” và chọn tiêu chí nào cho một nhà phê bình chuyên nghiệp? Có lẽ đó không chỉ chuyên hành nghề mà điều quan trọng hơn là đảm bảo chất lượng nhà nghề. Cái chất lượng nhà nghề đó là gì? Vài lời miêu tả dưới đây là những gì tôi được gợi ý từ thực tế nhiều năm hành nghề nghiên cứu và làm báo âm nhạc, cộng thêm đôi chút tưởng tượng theo ước muốn của riêng tôi về nghề này.
Nhiều trong một
Phải mất nhiều năm, tôi mới ngộ ra: Phê bình âm nhạc không chỉ hai trong một, ba trong một, mà là nhiều trong một. Tính sơ sơ từ những gì đã nói trên, nhà phê bình âm nhạc là sự liên kết của hai “nhà”: nhà nhạc học và nhà báo. Nhà nhạc học là tổng hợp của nhiều “nhà con”: khoa học xã hội (dân tộc nhạc học, sử học, văn hóa học, ngôn ngữ học...) cộng với khoa học tự nhiên (bao gồm vật lý học, âm thanh học, tin học...). Nhà báo là tổng hợp của phóng viên ảnh, phóng viên viết tin, người biên tập...
Tính chuyên ngành là sự hiểu biết chuyên sâu về nghề nghiệp. Tính liên ngành là cái nhìn tổng hợp giữa các ngành liên quan. Một đằng thiên về chiều sâu, một đằng hướng tới bề rộng. Có vẻ như mâu thuẫn khi đòi hỏi cùng lúc cả hai yếu tố trên. Song thực tế cho thấy, thiếu một trong hai phẩm chất - trình độ chuyên môn hoặc hiểu biết liên ngành - thì nhà phê bình luôn lúng túng, bị động và khó hành nghề một cách chuyên nghiệp trong thời đại công nghệ thông tin.
Cứ thử tưởng tượng ra hình ảnh lãng mạn thế này: phê bình âm nhạc là kết quả hoàn hảo của mối tình giữa nhà báo với nhà nhạc học. Gọi là hoàn hảo vì đứa con thừa hưởng những “gien” tốt của cả bố và mẹ, chẳng hạn như tính thời sự nhạy bén, sự can đảm xông xáo và lối viết ăn khách của nhà báo, cộng với đôi tai và sự cảm thụ tinh tế, con mắt phân tích và vốn hiểu biết âm nhạc của nhà nhạc học.
Muốn sống chết với nghề phê bình, rõ ràng bạn không thể chỉ thuần túy là một nhà nghiên cứu lý luận luôn tách mình ra khỏi sinh hoạt âm nhạc đại chúng, lại càng không thể chỉ là một nhà báo ú ớ kiến thức âm nhạc. Sự chính xác tinh tường của người làm khoa học, tính thực tế nhanh nhạy của người làm báo là những tố chất cần có ở nhà phê bình.
Tính khoa học và tính nghệ thuật
Cả hai yếu tố trên vốn đều là bản chất của phê bình. Song nhà báo thường bình luận âm nhạc theo kiểu báo chí với mục tiêu hàng đầu là đưa tin nóng. Thiếu hụt sự phân tích đánh giá qua con mắt nhà nghề, bài báo khó trở thành tác phẩm phê bình chuyên nghiệp.
Ngược lại, nhà lý luận có xu hướng biến phê bình thành khoa học, mổ xẻ xét nét, nhét cả đống thuật ngữ, lý lẽ khô khan. Gần như không có sự thưởng thức ở đây, bài phân tích khó có thể được coi là một “sáng tạo nghệ thuật viết về một sáng tạo nghệ thuật khác” được.
Nghệ thuật là yếu tố liên quan trực tiếp đến tính hấp dẫn và phổ cập, bởi vậy, vươn tới chất lượng học thuật chưa đủ. Một nhà phê bình chuyên nghiệp không được phép lờ đi bản chất nghệ thuật, không thể tiếp tục tước bỏ một vế quan trọng góp phần làm nên bản chất lưỡng tính của phê bình.
Chỉ có thể được coi là chuyên nghiệp khi nhà phê bình âm nhạc hội tụ đủ yếu tố cần là cái đầu khoa học biết đánh giá theo định lượng và con tim nghệ sĩ biết cảm thụ, biết biểu hiện những cảm thụ đó ra lời một cách sáng tạo và thuyết phục.
NGUYỄN THỊ MINH CHÂU