Bộ Y tế báo cáo Quốc hội về sự thật nước tương có chứa chất 3-MCPD

Tổ chức 2 đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất tại Hà Nội và TPHCM

Sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cố tình vi phạm

Như tin SGGP đã đưa, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có công văn yêu cầu Bộ Y tế trả lời về việc “nước tương chứa chất gây ung thư” đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, gây lo lắng trong nhân dân.

Trả lời công văn trên, hôm qua 7-6, Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sự thật của việc mua bán và sử dụng nước tương ô nhiễm. Theo đó, thứ nhất, về sự thật của việc mua bán và sử dụng nước tương ô nhiễm 3-MCPD, Bộ Y tế cho biết, ngày 3-4, hệ thống Cảnh báo nhanh đối với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) của Ủy ban An toàn thực phẩm Liên minh châu Âu (EU) đã gửi thông báo tới Cục ATVSTP, Bộ Y tế về việc phát hiện lô hàng nước tương Chinsu được nhập khẩu vào thị trường Phần Lan do Công ty Vitecfood (Việt Nam) sản xuất chứa 3-MCPD với hàm lượng vượt quá giới hạn an toàn cho phép.

Ngay sau đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục ATVSTP và các cơ quan hữu quan tổng hợp, báo cáo. Kết quả như sau: đối với sản phẩm nước tương Chinsu, số mẫu xét nghiệm là 26, số mẫu phát hiện 3-MCPD là 0. Đối với các sản phẩm nước tương khác và sản phẩm nước tương do Công ty Vitecfood sản xuất (trừ nhãn hiệu Chinsu), số mẫu xét nghiệm là 221; số mẫu phát hiện có 3-MCPD là 99 (có 10 mẫu là sản phẩm do Công ty Vitecfood sản xuất); số mẫu vượt quá giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Y tế là 82.

Thứ hai, về việc thanh tra xử lý trách nhiệm đối với các cơ sở vi phạm, Bộ Y tế cho biết, đến ngày 1-6-2007, Sở Y tế TPHCM đã tiến hành thanh tra 30 cơ sở sản xuất, lấy 33 mẫu nước tương để xét nghiệm. Kết quả như sau: Số mẫu vượt quá giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Y tế là 18 (của 17 cơ sở); đã xử lý 16 cơ sở với tổng số tiền xử phạt lên đến trên 180 triệu đồng và đình chỉ sản xuất 1 cơ sở.

Thứ ba, về vấn đề nâng cao năng lực quản lý đối với chất lượng VSATTP nói chung và đối với nước tương nói riêng, Bộ Y tế đã đề ra các biện pháp cấp bách trước mắt là tăng cường các biện pháp giáo dục truyền thông về VSATTP; khẩn trương kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống quản lý; thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật trong sản xuất kinh doanh; tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý thật nghiêm các vi phạm; tăng đầu tư về ngân sách, nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng được yêu cầu cơ bản kiểm soát VSATTP từ TƯ đến cơ sở.

Cụ thể, biện pháp trước mắt mà Bộ Y tế đặt ra đối với quản lý nước tương, xì dầu và dầu hào là: tổ chức 2 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại Hà Nội và TPHCM. Đoàn sẽ kiểm tra đột xuất, không thông báo trước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, siêu thị có sản phẩm nước tương, dầu hào, xì dầu. Về biện pháp lâu dài, sẽ triệt để thực hiện nghiêm quy định về điều kiện VSATTP. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đủ điều kiện sẽ tuyệt đối không cho sản xuất kinh doanh.

Cũng tại báo cáo này, Bộ Y tế cũng kiến nghị Quốc hội đưa dự án xây dựng Luật Thực phẩm vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XII.

QUANG PHƯƠNG

 Sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cố tình vi phạm

Chiều 7-6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang chủ trì cuộc họp với đại diện của 10 bộ, ngành liên quan để bàn biện pháp xử lý và tìm ra hướng đi mới cho vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).  Thứ trưởng Cao Minh Quang cho biết, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nếu không bảo đảm VSATTP, sẽ bị đóng cửa. Nếu doanh nghiệp nào đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cũng như được cơ quan nhà nước cấp phép lưu hành sản phẩm mà cố tình vi phạm sẽ bị xử lý triệt để theo hướng xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Để hạn chế những bất cập trong lĩnh vực quản lý nhà nước về VSATTP như hiện nay, ông Quang cho biết, tới đây Bộ Y tế sẽ sửa đổi Quyết định số 442/YT/2005 về Quy chế công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm. Theo đó, việc sửa đổi sẽ theo hướng tập trung cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm trước khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cũng như khi sản phẩm đã lưu hành trên thị trường. Trong đó, công tác tiền kiểm sẽ tập trung vào 4 khâu: nguyên liệu sản xuất; điều kiện VSATTP của cơ sở; quy trình công nghệ; tiêu chí chất lượng sản phẩm. Còn công tác hậu kiểm sẽ được tiến hành với sự phối hợp liên ngành giữa thanh tra y tế, công an, quản lý thị trường, thanh tra KH-CN đối với sản phẩm đang lưu hành.

P.TH.

Thông tin liên quan:

- Bộ Y tế yêu cầu tiêu hủy nước tương “đen” của 17 cơ sở vi phạm trước ngày 1-7

-4 doanh nghiệp sản xuất nước tương “đen” rút khỏi danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao

- Kiên quyết đóng cửa các cơ sở sản xuất nước tương không đảm bảo VSATTP

- Nước tương “đen” chứa 3-MCPD: Cơ sở sản xuất xin lỗi và cam kết thu hồi sản phẩm

- UBND TPHCM chỉ đạo về vụ nước tương có chứa chất 3-MCPD

- Nước tương chứa 3-MCPD hàm lượng cao: Nhiều sản phẩm đã tiêu thụ hết

Tin cùng chuyên mục