(SGGP).- Chiều 19-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về công tác tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc - Vesak 2014 tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được trách nhiệm lớn lao trước sự kiện quan trọng không chỉ của Phật giáo trong nước mà của Phật giáo toàn cầu. Phó Thủ tướng khẳng định tổ chức Đại lễ Vesak 2014 tại Việt Nam có ý nghĩa lớn về mặt chính trị, xã hội. Các bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đại lễ trang nghiêm, chu đáo, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, hình thức, tránh phản cảm, không để các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ dân tộc, tôn giáo.
Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak 2014, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức đăng cai Đại lễ Vesak 2014 tại Khu du lịch văn hóa tâm linh Bái Đính, Ninh Bình từ ngày 7 đến 12-5, trong đó đại lễ chính sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10-5. Đại lễ năm nay có chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc”. Dự kiến sẽ có khoảng 5.000 đại biểu chính thức, trong đó có 1.500 đại biểu quốc tế đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Đại lễ Vesak 2014 là cơ hội giới thiệu đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các đại biểu quốc tế, phát triển tiềm năng du lịch tâm linh góp phần vào sự phát triển hợp tác toàn diện của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Đây cũng là dịp để khẳng định sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam tới tự do tôn giáo, vận động để thế giới và UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới.
* Sáng 19-3, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm 2014 khai mạc tại chùa Quán Thế Âm, TP Đà Nẵng. Hàng vạn du khách gần xa và tăng ni phật tử đã về dự hội.
Lễ hội diễn ra với các nghi lễ truyền thống mang màu sắc lễ nghi Phật giáo như lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, lễ rước ánh sáng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, lòng từ bi, hỷ xả, cứu khổ cứu nạn chúng sanh, hướng tới cái thiện, rời xa cái ác; lễ tế Xuân nguyện cầu cho quốc thái dân an… Đặc biệt, tại lễ hội năm nay, đoàn Cao tăng chư - tôn - đức Phật giáo Thái Lan đến tham dự và trực tiếp Khánh lễ Pháp đàn Gia trì Ngọc Xá Lợi Phật do Vua Sãi Hoàng gia Vương quốc Thái Lan ban tặng, đồng thời hướng dẫn thiền định cho phật tử. Ngoài ra, các nghệ nhân Thái Lan còn thực hiện nghệ thuật kết hoa lá thành 7 đầu rắn chầu đức Phật (Naga), đồng thời 10 nhà thư pháp Nhật Bản Koichi Sakamoto cùng các nhà thư pháp Việt Nam giao lưu biểu diễn nghệ thuật viết thư pháp.
NGỌC LINH - NGUYỄN HÙNG