Tổ chức trọng thể lễ tang Giáo sư Trần Văn Giàu

Còn nợ anh Sáu
Tổ chức trọng thể lễ tang Giáo sư Trần Văn Giàu

(SGGP).- Lễ tang cấp Nhà nước Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, đã được tổ chức trọng thể vào hồi 10 giờ sáng ngày 23-12, tại Hội trường TPHCM.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viếng Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viếng Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đến viếng GS Trần Văn Giàu có đoàn Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết làm trưởng đoàn; đoàn Ban Bí thư Trung ương do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Lễ tang, làm trưởng đoàn; đoàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên làm trưởng đoàn; đoàn Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm trưởng đoàn; đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch Trần Hoàng Thám làm trưởng đoàn; đoàn Thành ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN TPHCM do Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, làm trưởng đoàn; đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình GS Trần Văn Giàu.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công, Lê Đức Anh và Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi vòng hoa đến viếng GS Trần Văn Giàu. Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, cùng nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã đến viếng, gửi vòng hoa viếng, chia buồn.

Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM viếng Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM viếng Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong niềm tiếc thương sâu sắc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trân trọng ghi vào sổ tang: “Kính viếng đồng chí Trần Văn Giàu, người con ưu tú của Nam bộ thành đồng, người lãnh đạo tài năng, người trí thức, nhà khoa học uyên bác, người đảng viên Cộng sản kiên trung. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí thật to lớn và mãi mãi ngời sáng”.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên ghi vào sổ tang: “Bác Trần Văn Giàu, nhà cách mạng tận tụy với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, luôn sống mãi và để lại tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân, các thế hệ trí thức Việt Nam”.

Lời chia buồn của Thành ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN TPHCM có đoạn viết: “Vĩnh biệt bác Sáu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM nguyện noi gương bác, quyết tâm phấn đấu, xây dựng TPHCM, Thành phố Anh hùng trở thành thành phố XHCN văn minh, giàu đẹp. Vĩnh biệt bác Sáu, chúc hương hồn bác an giấc ngàn thu trong lòng Tổ quốc”.

Đến viếng GS Trần Văn Giàu còn có các đoàn của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và TPHCM, Tổng Lãnh sự quán Liên bang Nga tại TPHCM…

Thương tiếc ông Sáu Giàu, bác Sáu Giàu với tấm lòng nặng nghĩa nặng tình, trọn đời gắn bó với quê hương, đất nước, với quê mẹ Long An, với vùng đất Sài Gòn – Gia Định và Nam bộ, nhiều đoàn đại biểu và người dân TPHCM, Long An và các tỉnh, thành phía Nam cũng đã đến viếng, chia buồn cùng gia đình trước sự ra đi của nhà cách mạng lão thành tiêu biểu của Nam bộ - Trần Văn Giàu.

Nhiều tập thể và cá nhân là các thế hệ học trò, đồng nghiệp của GS Trần Văn Giàu, từ nhiều nơi trong cả nước cũng đã về thắp hương kính viếng người thầy đáng kính, mẫu mực, cây đại thụ của giới khoa học, cánh chim đầu đàn của ngành khoa học xã hội và sử học Việt Nam.

Lễ viếng GS Trần Văn Giàu còn được tiếp tục đến sáng 25-12. Lễ truy điệu sẽ được tổ chức trọng thể vào lúc 7 giờ 30 phút sáng 25-12 và lễ an táng được tổ chức tại quê nhà của Giáo sư, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Tuấn Sơn

Còn nợ anh Sáu

Những ngày này, từ sau khi được tin người cộng sản, anh Sáu Trần Văn Giàu ra đi, trong tôi xen lẫn với niềm thương tiếc và nổi trội lên là niềm biết ơn vô hạn.

Tôi chập chững dấn thân đi theo cách mạng từ thời Thanh niên Tiền phong chính thức được thành lập qua tính toán “tương kế tựu kế” với Nhật của Xứ ủy Tiền phong do anh Sáu làm Bí thư. Thanh niên Tiền phong là một “đội quân chính trị” trong thời điểm phải chạy đua gấp rút tiến tới giành chính quyền, khái niệm “đội quân chính trị” chắc được anh Sáu lãnh hội trong khóa học ở Trường Đại học Phương Đông của Liên Xô vào những năm 1931-1933. Súc tích lực lượng đón thời cơ thời tiền khởi nghĩa còn có hệ thống Xứ ủy Giải phóng và những đảng bộ cộng sản khác.

Hướng dẫn tôi trực tiếp thuở đó là “thần tượng” đầu tiên Ung Ngọc Ky, tức nhà văn Trường Sơn Chí và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát cũng là một “thần tượng”. Anh Ung Ngọc Ky truyền đạt cho tôi những bài anh học từ anh Huỳnh Tấn Phát đã học ở anh Sáu và từ thuở ban sơ anh Sáu đã là thầy của những người thầy.

Những bài học quý báu mà tôi tiếp nhận từ anh Sáu là sau ngày lịch sử 30-4-1975.

Trong một cuộc họp chuẩn bị kỷ niệm ngày mất của nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh, mà sau này theo lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là “một nhà yêu nước vĩ đại”, trong khi nhiều bậc lão thành cách mạng đàn anh, đàn chị xúc động nhắc nhở công lao của Nguyễn An Ninh, có một cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng bộ thành phố lưu ý: “Chớ có “tô hồng” Nguyễn An Ninh”. Tôi không tự kiềm chế được, phải to tiếng: “Cũng chớ có bôi đen”. Anh Sáu khác hơn những lần khác đã chậm rãi nói lên từng tiếng: “Tự thân cuộc đời anh (Nguyễn An Ninh) đã đẹp, không cần chúng ta phải tô điểm gì thêm” (1).

Trong lễ kỷ niệm Nguyễn An Ninh 100 tuổi, mở đầu bài phát biểu anh Sáu không nén được xúc động, vừa nói vừa khóc: “Không có Nguyễn An Ninh, không có Trần Văn Giàu”. Anh khóc vì nhớ công đức lớn lao của bậc thầy Nguyễn An Ninh và nhắc nhớ câu Nguyễn An Ninh cổ vũ lớp thanh niên dấn thân dám chấp nhận trong những năm cách mạng mới được nhen nhóm: “Chúng ta sinh ra vào một thời đại mà nhiệm vụ đòi hỏi ở ta quá nặng nề, vượt quá sức của ta. Chúng ta có bổn phận hy sinh để xây dựng một tương lai mà chúng ta không nhìn thấy, mà ít nhất ta có thể mong mỏi nhìn thấy những điều hứa hẹn”(2).

Điều tôi thấm thía nhất qua những buổi anh Sáu nói chuyện về Nguyễn An Ninh là học tập tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp của Nguyễn An Ninh và trên tất cả là dám khẳng định một sự thật về một nhân cách, những sự cống hiến của một nhân vật “Từ cuối những năm 20 trở đi, trên chính trường Nam bộ, Nguyễn An Ninh đã như là một người mác-xít lê-nin-nít…”(3).

Về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, anh Sáu có rất nhiều công trình có giá trị lịch sử cao và quý báu nhất là toát lên những bài học về tư tưởng, trí tuệ, đạo đức ở tầm cao của một anh hùng giải phóng dân tộc, một nhà văn hóa kiệt xuất mở ra thời đại Hồ Chí Minh không riêng gì cho Việt Nam.

Từ những năm 1946 trở đi, tôi mới hiểu thấp thoáng lời Bác gởi cho Nam bộ trước khi sang Pháp với tư cách khách của Chính phủ Pháp trong dịp Hội nghị Fontainebleau, Bác nói: “… Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”(4).

Gần đây được đọc bài của anh Sáu trong “Trần Văn Giàu – Tuyển tập”, tôi mới thấm thía về sự uyên bác của Bác Hồ, nhờ có tầm cỡ của anh Sáu: “Truyện Họ Hồng Bàng (chuyện Lạc Long Quân) là truyện nguồn gốc dân tộc và đất nước Việt Nam”… có nhiều bạn nhấn mạnh vào vế trên (dân tộc) mà quên lửng vế dưới (đất nước). Trong tư tưởng của tổ tiên xưa nhất của chúng ta, hai khái niệm nòi giống và quê hương luôn luôn đi đôi với nhau(5).

Tiếp nhận từ anh Sáu, tôi thầm nghĩ không chỉ là những kiến thức mà còn phải đi vào cuộc sống với tất cả cái tâm của người cộng sản “vì nước vì dân” luôn luôn soi mình, để vượt qua chính mình, dù trong hoàn cảnh nào, nhất là trong thời điểm đất nước đang bước vào một chặng đường mới. Tạm biệt anh Sáu tôi chỉ xin thưa: Còn nợ anh và nợ đất nước, món nợ đó không bao giờ vơi!


(1), (2), (3) Sách “Nguyễn An Ninh – Tác phẩm” NXB Văn học 2009 (tr. 20.145).

(4) Sách “Hồ Chí Minh toàn tập” NXB CTQG 1995 T.4 (tr.246).

(5) Sách “Trần Văn Giàu – Tuyển tập” NXB Giáo dục 2000 (tr.466).

Dương Đình Thảo

Tin cùng chuyên mục