Như vậy, bên cạnh đường dây nóng của các lực lượng khác (công an, hải quan… và một số đường dây nóng của các địa phương) thì nay có thêm số đường dây nóng ở lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo thuận tiên cho người dân phát hiện, thông báo, đấu tranh với hàng gian, hàng giả.
Không những tiếp nhận thông tin về hàng gian, hàng giả, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, người dân và doanh nghiệp còn có thể gọi đến đường dây nóng trên để phản ánh các thông tin liên quan đến các hành vi sai phạm trong lĩnh vực xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ... Bên cạnh đó, đường dây nóng tiếp nhận cả hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật. Đặc biệt, đường dây nóng tiếp nhận cả thông tin phản ánh về đạo đức công vụ của công chức hành pháp thuộc ngành quản lý thị trường trong quá trình thực thi công vụ.
Như vậy, việc mở rộng nhiều đường dây tiếp nhận thông tin không chỉ tạo thuận tiện, khuyến khích người dân tham gia tố giác tội phạm mà còn là cách để dân giám sát hoạt động thực thi công vụ của cán bộ ở cơ sở, nhằm góp phần giảm tiêu cực trong ngành.