Tổ quốc không có nơi xa

Tổ quốc không có nơi xa (NXB Trẻ) là cuốn sách thứ hai của nhà báo Lưu Đình Triều sau cuốn Bật một que diêm ra mắt năm 2009. Giống như cuốn sách đầu tay, tác phẩm mới nhất này cũng là tuyển tập các bài báo trong cuộc đời làm báo của tác giả, được thể hiện dưới dạng ký. Chỉ có điều, nhân vật chính trong các bài báo không còn là những cá nhân điển hình, những con người cụ thể mà là các vùng đất của Tổ quốc, những vùng đất đặc biệt.

Tổ quốc không có nơi xa (NXB Trẻ) là cuốn sách thứ hai của nhà báo Lưu Đình Triều sau cuốn Bật một que diêm ra mắt năm 2009. Giống như cuốn sách đầu tay, tác phẩm mới nhất này cũng là tuyển tập các bài báo trong cuộc đời làm báo của tác giả, được thể hiện dưới dạng ký. Chỉ có điều, nhân vật chính trong các bài báo không còn là những cá nhân điển hình, những con người cụ thể mà là các vùng đất của Tổ quốc, những vùng đất đặc biệt.

Gọi là đặc biệt vì những địa danh mà tác giả nêu ra trong sách đều là những cái tên quen thuộc, gắn liền với những sự kiện quan trọng của đất nước, có nơi đã làm nên những bản anh hùng ca bất tử, có nơi trở thành một nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc.

Việc sắp xếp các bài ký trong tác phẩm cũng thể hiện rõ chất “nhà báo” của tác giả do nghiêng về tính thời sự. Tác phẩm chia làm 2 phần, phần đầu có nhan đề “Tổ quốc không có nơi xa” mở đầu với 2 truyện ký Trường Sa, quần đảo bão tốẤm lòng, tín hiệu gửi Trường Sa. Qua hai câu chuyện, tác giả đã đưa người đọc đến với quần đảo Trường Sa, đến với những người lính đảo và đến với cả những người con của Tổ quốc luôn hướng về vùng đất mẹ giữa biển khơi.

Đọc những đoạn anh miêu tả cảnh con thuyền tiếp tế chênh vênh trong những cơn sóng dữ không khác gì đọc một tác phẩm văn học miêu tả cảnh tượng dữ dội của thiên nhiên. Thế nhưng, khi lên đảo lại là hình ảnh về cuộc sống thanh bình, tình cảm chân chất của những con người trên đảo.

Sau Trường Sa, tác giả đưa người đọc đến với những vùng đất Hà Giang, “pháo đài” Trà Cổ (Quảng Ninh). Có thể nói, trong cả tập sách, 2 truyện ký về Hà Giang và Trà Cổ là đậm chất báo chí nhất, những câu chuyện chiến tranh, cuộc sống và chiến đấu của người dân địa phương như sống lại trong lòng người đọc qua từng câu miêu tả của tác giả.

Nếu 2 truyện ký đầu về Trường Sa nặng chất văn chương, 2 truyện ký về Hà Giang, Trà Cổ đậm tính báo chí thì 2 truyện ký cuối cùng của phần này lại cân bằng cả hai yếu tố. Ở truyện ký Côn Đảo, năm tháng đời người, tác giả sử dụng thủ pháp văn học dùng hiện tại để kể chuyện quá khứ, từ câu chuyện của những con người hiện nay đi thăm lại vùng đất “địa ngục trần gian” để làm nổi bật lên sự đổi thay, phát triển ở nơi đây.

Phần hai của tác phẩm được tác giả đặt cho cái tên “Những vùng đất: Con người và khoảnh khắc” bao gồm nhiều câu chuyện về những vùng đất khác nhau của Tổ quốc. Từ Tân Trào cái nôi của cách mạng đến Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, từ Xí nghiệp cơ khí 121 hồi sinh trong đống tro tàn sau đợt bom B52 năm 1972 đến Sông Đà bừng bừng phát triển, rồi những chuyện về voi rừng ở bản Đôn, Hà Nội 36 phố phường, Hạ Long huyền thoại…

Mỗi vùng đất có thể khác nhau ở địa lý, ở vẻ đẹp và cả ở dấu ấn đối với lịch sử đất nước nhưng ở mỗi nơi đều nổi bật lên hình ảnh con người đất nước Việt Nam, nổi bật lên niềm lạc quan trong cuộc sống cùng những nỗ lực xây dựng, phát triển đất nước.

Đó cũng chính là suy nghĩ của tác giả và mọi người, đã là vùng đất của Tổ quốc thì dù ở đâu, xa xôi cách trở bao nhiêu về địa lý thì những nơi đó vẫn rất gần gũi, trong trái tim, trong lý trí của mỗi con người Việt Nam, Tổ quốc không có nơi xa, nơi đâu cũng là đất mẹ. 

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục