Những ngày đầu tháng 5-2014, cả dân tộc Việt Nam sôi sục và dành từng giây dõi về vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, cả dân tộc lại hòa chung khí thế chống ngoại xâm. Xét ở góc độ tích cực, giàn khoan Hải Dương-981 là “liều thuốc thử” cho hào khí của dân tộc Việt Nam với hàng ngàn năm chống ngoại xâm.
Thiêng liêng lá cờ Tổ quốc
Những ngày đầu tháng 5-2014, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, chúng tôi vinh dự là một trong những nhà báo đầu tiên có mặt ở Hoàng Sa để chứng kiến và đưa tin về sự kiện này. Những ngày theo chân đội tàu Kiểm ngư Việt Nam tác nghiệp ở Hoàng Sa mới cảm nhận hết tình yêu Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, mới thấm hiểu sự hy sinh của người dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền.
Thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy bên lá cờ Tổ quốc chuẩn bị gửi về đất liền từ Hoàng Sa. Ảnh: Nguyên Khôi
Ngày đầu tiên đón mặt trời lặn ở Hoàng Sa trong cái chếnh choáng, lắc lư theo con tàu sóng dập tơi bời. Ở Hoàng Sa, 4 giờ mặt trời đã óng đỏ nhô lên từ mặt biển. Ngược sáng, những biên đội tàu Kiểm ngư Việt Nam điểm xuyết trên mặt biển lóng lánh như bức tranh thủy mặc khổng lồ. Lá cờ Tổ quốc rực cháy trên những nóc tàu như ngọn lửa phần phật trước gió. Cách chừng 10 hải lý, giàn khoan Hải Dương-981 thô kệch đứng dạng chân như một kẻ to con lớn xác cùng đám lâu la tàu lớn, tàu bé rình rập.
Sau hồi chuông báo thức toàn tàu, trước khi tàu cơ động vào giàn khoan, hai kiểm ngư viên Đường và Minh, sửa soạn áo quần chỉnh tề rồi trèo lên boong thượng chỉnh sửa lá cờ Tổ quốc. Hai anh dùng tay gỡ từng nếp gấp, vuốt thẳng lá cờ bị quấn vào dây do những trận gió đêm qua. Đường bảo: “Đi biển, sáng nào trước khi tàu bắt đầu làm nhiệm vụ, anh em chúng tôi đều lên boong thượng để chỉnh sửa lại lá cờ tổ quốc cho ngay ngắn, phẳng phiu, đảm bảo lá cờ phải căng gió. Anh em chúng tôi tâm niệm, lá cờ là Tổ quốc, là đồng bào đang dõi theo hàng ngày. Những lúc khó khăn, cờ Tổ quốc trở thành nguồn động viên lớn lao để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Chỉ mới xa đất liền, cái mênh mông của biển đã khơi dậy những nỗi nhớ. Hàng ngày, cái tẻ nhạt của những mô-típ “lên boong - xuống khoang” và những cuộc chạm trán của Kiểm ngư Việt Nam và tàu Trung Quốc. Ở đất liền, lá cờ Tổ quốc đã quá quen thuộc nên nhiều khi bị khuất lấp trong những bon chen cuộc sống, nhưng ở Hoàng Sa, mỗi khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tàu khiến chúng tôi có cảm giác phấn chấn, tự hào.
Đại diện Chi bộ Đảng tàu Kiểm ngư HP 926 trao quyết định kết nạp Đảng cho Lê Văn Bình.
Kết nạp Đảng giữa Hoàng Sa
Ngày 14-5-2014, chúng tôi chứng kiến lễ kết nạp Đảng cho Kiểm ngư viên Lê Văn Bình đầy xúc động. Bình 27 tuổi, 9 năm tuổi nghề gắn liền với con tàu. Mới đầu năm nay, Bình được chuyển biên chế vào lực lượng Kiểm ngư. Và hôm nay là ngày vinh dự nhất của Bình. Bình tâm sự: “Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào và vinh dự đối với tôi và đặc biệt hơn vì mình được tổ chức kết nạp Đảng ngay giữa vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc trong những ngày cả nước đang hướng về đây. Vào Đảng là vinh dự và trách nhiệm cũng sẽ cao hơn, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhất là thời gian cùng lực lượng chấp pháp bền bỉ đấu tranh buộc Trung Quốc phải dời giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Anh Đinh Kim Thảo, cán bộ tuyên truyền, đại diện Chi bộ của tàu Kiểm ngư, cho biết: “Bình là người đầu tiên được kết nạp Đảng trên vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc. Để có được sự kiện đáng nhớ này, Bình đã không ngừng nỗ lực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong suốt nhiều năm công tác. Và lần này, nhận nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Bình lên đường với tinh thần trách nhiệm cao và phấn khởi. Bình được kết nạp Đảng trên tàu không chỉ là niềm vinh dự cho bản thân mà còn là niềm vinh dự cho toàn bộ anh em trong biên đội chúng tôi”.
“Chào Đại tướng, con đi!”
Những ngày trên tàu HP 926, sau những cuộc chạm trán với tàu Trung Quốc, chúng tôi và thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy ngồi nói chuyện với nhau rất nhiều. Có lẽ do đồng tuổi, tôi và thuyền trưởng Duy khá thân nhau chỉ sau vài cuộc trò chuyện. Duy trẻ tuổi, mới 33, nhưng quyết đoán. Những cuộc đối đầu với tàu Trung Quốc, nhìn phong thái điềm tĩnh, quyết đoán của Duy khi điều khiển tàu trong thời khắc sinh-tử mà thán phục. Dáng thư sinh, mái tóc húi cua và đôi mắt sáng, ít ai nghĩ Duy là một thuyền trưởng với hơn 10 năm kinh nghiệm. Nhưng điều tôi thán phục hơn ở Duy là tấm lòng.
Ngư dân Việt Nam yên tâm hơn khi có đội tàu của Kiểm ngư Việt Nam kề vai sát cánh.
Trên đường đưa tàu từ Hải Phòng vào Đà Nẵng để chuẩn bị đi Hoàng Sa đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan, sáng 7-5-2014, khi đi ngang vùng biển Quảng Bình, Duy lệnh cho lái tàu hướng mũi vào Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ, kéo ba hồi còi để chào Đại tướng. Trên đài chỉ huy, Duy thắp nén nhang và thầm hứa với Đại tướng sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981, xứng đáng với truyền thống đánh ngoại xâm của cha ông. Xong, Duy lại kéo ba hồi, còi hô vang “Chào Đại tướng, con đi!”, rồi quay mũi tàu hướng về Hoàng Sa.
“Ngày còn nhỏ, học lịch sử Việt Nam với những trận chống ngoại xâm thần thánh của dân tộc Việt Nam, tôi rất ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nay, chúng tôi, tuổi trẻ của Tổ quốc đang thực thi luật pháp trên biển và đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép ở Hoàng Sa, tôi cảm thấy tự hào khi đóng góp chút công sức của mình cho cuộc đấu tranh. Tôi tin, Đại tướng sẽ cùng theo chúng tôi trong cuộc đấu tranh này”, Thuyền trưởng Duy tâm sự.
Những ngày đấu tranh đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 giữa Hoàng Sa, hơn lúc nào hết, chúng tôi thấm cái nghĩa tình đồng bào, cái hào khí của dân tộc Việt Nam mỗi lúc Tổ quốc lâm nguy.
NGUYÊN KHÔI