Tọa đàm về các giải pháp mở rộng tín dụng, thúc đẩy phát triển Tây Nguyên

Chiều nay, 11-4, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức buổi tọa đàm các giải pháp mở rộng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại, cùng gần 100 doanh nghiệp ở khu vực Tây Nguyên.
Tọa đàm về các giải pháp mở rộng tín dụng, thúc đẩy phát triển Tây Nguyên

(SGGPO).- Chiều nay, 11-4, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức buổi tọa đàm các giải pháp mở rộng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại, cùng gần 100 doanh nghiệp ở khu vực Tây Nguyên.

Tây Nguyên (gồm các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước; là nơi sinh sống của gần 5,2 triệu người, chiếm 1/5 diện tích cả nước. Tây Nguyên là địa bàn có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển cây công nghiệp, nông nghiệp; thủy điện, khai khoáng và du lịch.

Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2012, huy động vốn tại khu vực Tây Nguyên đã đạt trên 63.000 tỷ đồng, tăng khoảng 37,3% so với cuối năm 2011, chiếm tỷ trọng 2,01% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc.

Toàn cảnh buổi tọa đàm các giải pháp mở rộng tín dụng, thúc đẩy phát triển Kinh tế-Xã hội vùng Tây Nguyên

Toàn cảnh buổi tọa đàm các giải pháp mở rộng tín dụng, thúc đẩy phát triển Kinh tế-Xã hội vùng Tây Nguyên

Đa số các ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm đều nhận định: tổng nguồn vốn huy động tại vùng Tây Nguyên còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn huy động của cả nước. Huy động tại chỗ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn và phải nhận điều hòa vốn từ Hội sở chính, vì vậy chưa thật sự chủ động được nguồn vốn cho vay trên địa bàn. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất của người dân trong khu vực còn bất cập, các doanh nghiệp thường có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, khả năng quản lý còn hạn chế và đang bị cạnh tranh trực tiếp từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng hấp thụ, sử dụng vốn vay ngân hàng chưa cao.

Các chủ doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng trong những năm tới, Ngân sách Nhà nước cần tăng cường vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; đồng thời, có sự đầu tư hỗ trợ cho một số ngành kinh tế có nhu cầu lớn về vốn như ngành thủy điện, ngành công nghiệp khai khoáng, trồng rừng… thông qua các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp liên doanh, các công ty cổ phần. Cùng với sự hỗ trợ vốn của ngân sách, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để Tây Nguyên tiếp nhận vốn đầu tư, vốn tín dụng phát triển hàng năm của Ngân hàng nhà nước, vốn từ các dự án ODA, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách – Xã hội.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Viện Chiến lược Ngân hàng – Ngân hàng nhà nước Việt Nam), từng tỉnh, từng khu công nghiệp của Tây Nguyên cần xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chiến dịch quảng bá hình ảnh của Tây Nguyên, đặc biệt là tiềm năng về tài nguyên ra bên ngoài. Cùng với kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, các địa phương ở Tây Nguyên cần có chính sách thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp từ các trung tâm kinh tế và các địa phương khác trong cả nước; có chính sách ưu đãi về thuế, về khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, về hỗ trợ đào tạo lao động.

        Tin, ảnh: ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục