Nhằm tăng cường nhận thức cho cán bộ quản lý đô thị của quận - huyện và các sở - ngành TP trong việc quản lý đầu tư xây dựng các công trình để ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) nói chung cũng như tiếp tục phát triển mô hình “Công trình xanh” nói riêng, tuần qua, Sở Xây dựng TPHCM đã phối hợp với PADDI (Trung tâm Dự báo và nghiên cứu đô thị) tổ chức khóa tập huấn “Hỗ trợ chủ công trình nhà nước trong khuôn khổ công trình xanh (CTX), xây dựng bền vững ứng phó với BĐKH”.
CTX phải thân thiện
Theo Sở Xây dựng TPHCM, lĩnh vực xây dựng đóng vai trò to lớn để ứng phó với BĐKH thông qua việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đặc biệt là tại TPHCM, nơi có khối lượng xây dựng khổng lồ với tốc độ nhanh. Tính hiệu quả của cấu trúc đô thị ở khu dân cư sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hình thức và sự thiết kế công trình kiến trúc nên việc xây dựng các công trình thích nghi với khí hậu, tiết kiệm năng lượng (TKNL) mở ra khả năng sử dụng tài nguyên một cách kinh tế hơn, tuổi thọ công trình lâu dài hơn và sẽ giảm lượng tiêu thụ năng lượng trong công trình, góp phần đáng kể giảm thiểu sự BĐKH.
Trong chính sách phát triển đô thị, việc xây dựng CTX rất được chính quyền TPHCM quan tâm và khuyến khích để các chủ đầu tư thực hiện. Trong khuôn khổ này, TP đã đồng ý cho dự án xây dựng trụ sở làm việc của Sở Khoa học - Công nghệ TP theo mô hình CTX.
Sở Xây dựng cho biết, CTX là một trong các giải pháp giảm thiểu phát thải nhà kính đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm, chia sẻ, phổ biến từ năm 1995. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành QCXDVN 09: 2005 nhưng quy chuẩn trên chỉ áp dụng các công trình xây dựng có quy mô lớn như trường học, bệnh viện, chung cư, công sở… mà chưa đề cập đến việc áp dụng cho các công trình riêng lẻ.
Chuyên gia của TP Lyon (Pháp) Cécile Wicky cho rằng, để ứng phó với những tác động xấu của BĐKH, sự thiếu hụt nguồn năng lượng, cắt giảm lượng phát thải CO2 và tuân thủ với những quy định về môi trường ngày càng chặt chẽ, lĩnh vực xây dựng cũng cần phải có chiến lược phát triển phù hợp trong việc thiết kế, xây dựng và sử dụng những tòa nhà sao cho thân thiện nhất với môi trường, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.
Tại đây, các chuyên gia của Pháp đã đưa ra khái niệm “Tòa nhà phát triển bền vững” (hay “tòa nhà xanh”) - những tòa nhà có những đặc điểm ưu việt hơn so với các tòa nhà truyền thống. Theo các chuyên gia, khi xây dựng “tòa nhà phát triển bền vững” không chỉ quan tâm tới khía cạnh sử dụng năng lượng trong tòa nhà để TKNL, mà còn phải quan tâm tới nhiều khía cạnh khác. Đó là sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu chất thải, sử dụng những vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, hòa hợp với điều kiện khí hậu khu vực, gây ít tác động xấu tới xung quanh (tiếng ồn thấp, xả khói thải, phát sinh mùi…), chi phí phát sinh trong vòng đời của tòa nhà thấp, vị trí tòa nhà gần với các địa điểm công cộng nhằm giảm thiểu tác động của việc đi lại giữa tòa nhà tới các vị trí này và đặc biệt là phải thân thiện đối với người sử dụng…
Việc xây dựng “tòa nhà phát triển bền vững” phù hợp với nhiều công trình có quy mô khác nhau như: nhà ở riêng lẻ, chung cư và thậm chí là một khu đô thị sinh thái.
Tại buổi tập huấn, Sở Xây dựng cũng đưa ra một số vấn đề cần lưu ý khi xây dựng CTX như: Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên vấn đề làm mát là rất quan trọng. Thiết kế các công trình cần có những giải pháp thông thoáng nhằm đón được nhiều không khí tự nhiên. Phần bao che công trình cần cách nhiệt nhưng cũng phải thiết kế thông thoáng. Cần nghiên cứu áp dụng hoặc cải tiến các “giải pháp xanh” của thế giới để áp dụng thử nghiệm vào các công trình cụ thể ở Việt Nam như “lõi sinh thái” của tòa nhà, mái xanh, ống dẫn ánh sáng, che nắng, “vườn ướt”, “hồ sinh thái”…
Sở Xây dựng cũng nhấn mạnh việc sử dụng vật liệu xây dựng theo tiêu chí “vật liệu xanh”, sử dụng vật liệu địa phương và lưu ý hạn chế sử dụng vật liệu nội thất ảnh hưởng đến sức khỏe như vách thạch cao, sơn…
Chi phí càng cao, năng lượng càng giảm?
Tại đây, các nhà nghiên cứu còn giới thiệu một số kết quả của các CTX trên thế giới. Chẳng hạn như trụ sở chính của Công ty phần mềm Adobe System ở San Jose, California (Mỹ) có 3 tòa nhà được cải tạo lại với kinh phí 1,1 triệu USD trong 5 năm đã giảm 35% điện năng, 41% khí ga, 22% nước sử dụng, 75% nước tưới, tái chế 85% chất thải rắn, nhờ vậy đã giảm 26% khí thải nhà kính.
Theo tổng kết CTX của Mỹ, sau khoảng 1 thập niên đưa các CTX vào hoạt động đã tiết kiệm 30-50% năng lượng và nước nhờ đó giảm khí thải CO2, giảm chi phí bảo dưỡng 10-15%, đặc biệt là về vận hành năng lượng, năng suất lao động tăng 3-5%, nguy cơ bệnh tật giảm hơn 5% và nâng cao sức khỏe người sở hữu, giá trị công trình tăng và thương hiệu các công ty xây dựng cũng có uy tín hơn, CTX là cam kết đảm bảo bền vững về môi trường.
Liên quan đến kinh tế, các chuyên gia cho biết, theo tổng kết về thực hành chương trình CTX của Singapore và Malaysia thì chi phí ban đầu cho CTX có tăng lên nhưng lợi nhuận thu được gấp 3-4 lần nhờ TKNL. Cụ thể khi chi phí tăng 5-10% thì năng lượng tiêu thụ giảm 30-60%, chi phí tăng 30% thì năng lượng giảm 80% và khi chi phí tăng 40% thì năng lượng giảm 100%. Trong khi đó, kết quả chương trình CTX của lãnh thổ Đài Loan lại chứng minh rằng CTX không làm tăng giá thành và ngân sách, có lợi nhuận cao và không đòi hỏi công nghệ cao. Theo thống kê của lãnh thổ Đài Loan, có 50% “kỹ thuật xanh” áp dụng trong các CTX giữ nguyên giá, 30% giảm giá và chỉ có 20% tăng giá. Chính vì thế khẩu hiệu của CTX Đài Loan là “Giàu có gấp đôi, tài nguyên một nửa”.
Mỹ cũng có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, trong đó, có vài nghiên cứu cho thấy để đạt chứng chỉ cơ bản của LEED (chứng nhận đánh giá CTX của Mỹ rất lâu đời và nổi tiếng được nhiều nước áp dụng), chi phí dự án tăng trung bình 1,84%. Và để đạt chứng chỉ vàng của LEED thì chi phí xây dựng cao hơn 1-5% (kết quả này được nghiên cứu từ 33 dự án tại California của Gregory Kats). Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của tập đoàn quản lý giá quốc tế Davis Langdon năm 2006 dựa trên 94 dự án xây dựng lại cho thấy không có bằng chứng nào nổi bật để kết luận rằng chi phí cho mỗi m² CTX nhiều hơn một công trình truyền thống. Từ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều dự án đạt được tiêu chuẩn bền vững chỉ với kinh phí ban đầu hay chỉ cần thêm một khoản tiền hỗ trợ rất nhỏ.
NHUNG NGUYỄN - MINH HUY