Tòa từ chối giải quyết vụ việc vì lý do chưa có luật là một bước lùi

Tòa từ chối giải quyết vụ việc vì lý do chưa có luật là một bước lùi

• Tranh tụng là nguyên tắc cốt lõi

(SGGPO).- Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4 của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9) tiếp tục là vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận tại phiên họp của UBTVQH chiều 17-8. 

Ủy ban Tư pháp: chưa có luật, Tòa không thể xử

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Nguyễn Văn Hiện, nhiều ý kiến ĐBQH nhất trí với dự thảo BLTTDS (sửa đổi), theo đó Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến khác đề nghị không quy định nội dung này trong BLTTDS (sửa đổi) vì thiếu tính khả thi, không phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013, dễ dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất.

TT UBTP nhận thấy, đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu hết sức thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước nơi mà Tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Còn ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật, TAND xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì khi xét xử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân chỉ tuân theo pháp luật, vì vậy nếu chưa có điều luật để áp dụng thì Tòa án sẽ không có căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự, sẽ không thể phát triển được án lệ để Tòa án áp dụng giải quyết vụ án. Việc áp dụng tập quán, nguyên tắc tương tự hoặc theo lẽ công bằng dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong xét xử, gây ra những hậu quả khó lường hết được.

Do đó, TT UBTP đề nghị trước mắt chưa nên quy định nội dung Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng trong dự thảo BLTTDS (sửa đổi).

Ủng hộ quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Trần Đình Nhã phát biểu: “Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân; nhưng không có điều luật quy định thì dựa vào đâu công nhận quyền lợi hợp pháp? Nhiều ý kiến ĐBQH đã đề nghị Tòa cung cấp những vụ việc nào đã đề nghị xử mà không có luật để nghiên cứu, nhưng Tòa không đưa ra được. Rồi đây có người đòi sở hữu đất trên Mặt Trăng thì Tòa xử thế nào”?

Chia sẻ một phần quan điểm của UBTP, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận xét: “Đúng là cơ quan soạn thảo chưa đưa ra được căn cứ rõ ràng để xem xét, chấp nhận quy định Tòa không được quyền từ chối xử lý vụ việc chưa có điều luật quy định. Nhưng đó là một quan điểm rất nhân văn, nếu không giữ được thì rất đáng tiếc. Đề nghị Ban soạn thảo tập hợp thêm thông tin, củng cố lập luận để thuyết phục được Quốc hội”.

Không dựa vào Tòa thì dựa vào đâu nữa? 

Không đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đã thẳng thắn tranh luận về vấn đề này.

“Chọn phương án như UBTP thực sự là một bước lùi. Thực tế hoạt động tố tụng hiện hành cũng đã áp dụng xét xử theo tập quán. Mặt khác, không phải mọi việc đều có thể đưa ra tòa để giải quyết mà phải là vụ án dân sự, việc dân sự. Thế nào là vụ việc dân sự thì pháp luật đã quy định rất rõ rồi”, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng nói: “Thực tiễn luôn nảy sinh những vấn đề rất mới, rất đa dạng; chưa ổn định để luật hóa. Tôi đã gặp trường hợp đồng bào dân tộc sử dụng đất chẳng có tường rào ranh giới gì cả, giờ làm sổ đỏ thì phát sinh tranh chấp. Trường hợp này phải căn cứ vào tập quán, suy nghĩ của đồng bào để giải quyết”. 

Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Tòa đã được Hiến pháp trao quyền bảo vệ công lý. Công lý là nếu đã có luật thì theo luật, chưa có luật thì theo lẽ phải. Tòa phải căn cứ vào lẽ phải mà thuyết phục người dân; khi họ đã không thỏa thuận được với nhau mà không dựa được vào Tòa thì dựa vào đâu nữa”? 

Dự họp, đại diện Tòa án Nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tống Anh Hào cho biết: “Nói chưa có điều luật, nhưng không có nghĩa là pháp luật không có quy định gì. Tòa án vẫn có thể căn cứ vào quy định cơ bản của Hiến pháp, vào lẽ công bằng, luật tục… để xử lý. Mặt khác, tòa án cũng không chỉ xét xử một lần mà ngoài sơ thẩm còn phúc thẩm, giám đốc thẩm, đủ để đảm bảo không có sự tùy tiện”. Song ông Hào cũng nói thêm rằng, Tòa chỉ thụ lý giải quyết tranh chấp dân sự chứ không xử lý việc dân sự.

Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào phát biểu tại phiên họp 

Tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH cũng đã nêu yêu cầu dự thảo thể hiện rõ hơn tính tranh tụng trong hoạt động xét xử. “Tôi đã phát biểu nhiều lần với Bộ luật Tố tụng Hình sự và giờ Tố tụng Dân sự cũng vậy, mới chỉ có khái niệm mà không thấy có nội hàm của tranh tụng! Nếu không có tranh tụng thì tư tưởng mới, tiến bộ nhất trong tố tụng đã được Hiến định sẽ không phát huy tác dụng”, ông Phan Trung Lý nêu rõ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình cao với quan điểm này.

Cũng trong buổi chiều 17-8, UBTVQH đã cho ý kiến về việc Việt Nam gia nhập Công ước Viên 1980.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục