Tội ác giữa ban ngày

Vụ hai cô gái bị tạt axít khi đang đi xe máy trên đường Quang Trung (phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM) sáng ngày 30-3-2016 đang làm dư luận xôn xao. Thương xót cho nạn nhân bị tàn phá gương mặt, mù mắt, nỗi đau sẽ chẳng bao giờ nguôi được. Và lo ngại vì tội ác diễn ra giữa ban ngày, ngay trên tuyến đường lớn, lúc có đông người tham gia giao thông. Hai kẻ thủ ác đã ra tay một cách tàn nhẫn và hèn hạ, rồi ung dung chạy thoát như ở chốn không người, trong thời điểm công an và chính quyền các địa phương ở TPHCM đang mở đợt cao điểm tăng cường tuần tra canh gác và rải quân mật phục khắp nơi để trấn áp tội phạm.

Một sự kiện mà đặt ra cho chúng ta rất nhiều vấn đề: Nhiều người dễ dàng hành xử bạo lực, gây tội ác vì những mâu thuẫn nhỏ. Đã có rất nhiều nạn nhân bị tạt axít nhưng TPHCM vẫn chưa quản lý chặt chẽ việc mua bán axít. Hành vi tạt axít khiến nạn nhân “tàn đời” nhưng chưa bị áp dụng khung hình phạt đủ răn đe. Tội phạm lộng hành giữa ban ngày nhưng vẫn chạy thoát. Phải chăng, các giải pháp tiến hành cuộc chiến chống tội phạm ở TPHCM chưa đủ công hiệu?

Điều dễ thấy là trong gia đình và xã hội ngày nay, mọi người dễ bị đối diện trước cái ác và cách hành xử bạo lực. Game, phim truyện, truyện tranh, Internet... đầy dẫy những hình ảnh chém giết, những câu chuyện phục thù, báo oán. Các con nghiện ma túy vẫn tìm mua được ma túy nên sẵn sàng ra tay trộm cướp, giật giọc, thậm chí đâm thuê chém mướn để có tiền thỏa cơn nghiện. Những kẻ muốn gây tội ác không khó tìm mua được mã tấu, súng hoa cải tự chế, thậm chí vũ khí quân dụng, chất nổ và các hóa chất nguy hiểm.

Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập khi bọn tội phạm ngày càng trang bị vũ khí nguy hiểm hơn, thủ đoạn lộng hành và độc ác hơn, băng nhóm đông hơn. Các lực lượng chống tội phạm đã được xây dựng tinh nhuệ, hùng hậu, trang bị hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nhưng thường chỉ triển khai ra quân theo chiến dịch. Có chiến dịch trấn áp thì tội phạm tạm thời dạt ra ngoại thành hay về các tỉnh lân cận, sau đó lại tiếp tục manh động.

Trong bối cảnh như vậy, những người dân hào hiệp không muốn thờ ơ với cái xấu, cái ác, nhưng cũng phải bó tay khi thấy bọn tội phạm lộng hành. Không thể trách cứ những người dân đi đường chứng kiến hành vi tội ác mà không thể ra tay ngăn chặn, bởi họ không đủ sức, rất bị động trước kẻ thủ ác có hung khí. Cái ác đương nhiên phải bị trừng trị, nhưng người dân chưa được hướng dẫn cách ứng phó như thế nào an toàn và hiệu quả để ngăn chặn, cứu người. Trách nhiệm chủ yếu vẫn là của công an, nhưng nhiều người phàn nàn rằng gọi đến đường dây nóng 113 để cầu cứu công an không phải lúc nào cũng nhanh để kịp tiếp cứu. 

Trong công tác quản lý giữ gìn an ninh trật tự đô thị hiện đại, mô hình cảnh sát khu vực quản lý hành chính theo địa bàn phường, tổ dân phố đã bộc lộ sự bất cập. Cần có cảnh sát tuần tra để quản lý địa bàn, ngăn chặn ngay mọi hành vi vi phạm pháp luật, có mặt ngay khi nhận được cuộc gọi cầu cứu. Thay vì “động binh” mở các chiến dịch cao điểm tuần tra canh gác mật phục, Công an TPHCM nên tăng cường lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh 113 để thường xuyên giữ vững trật tự công cộng, kịp thời ứng cứu, ngăn chặn và trấn áp tội phạm.

Trong cuộc chiến chống tội phạm, từng ngành, từng lực lượng, từng bộ phận nghiệp vụ, và từng cán bộ chiến sĩ cần thường xuyên duy trì được cách làm hiệu quả và tác phong công tác khẩn trương, nghiêm túc với ý thức trách nhiệm cao. Không nên chỉ dồn sức khi vào đợt cao điểm tấn công tội phạm, hay chỉ tập trung ở một địa bàn mà bỏ trống trận địa ở các quận ven và huyện ngoại thành. Cần bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan điều tra, tiến hành tố tụng, để sớm đưa ra xử lý pháp luật các vụ án, tạo hiệu quả trấn áp tội phạm, dấy lên khí thế đấu tranh phòng chống tội phạm.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục