Kỷ niệm 66 năm ngày Nam bộ kháng chiến

Tôi được làm sĩ quan Quân giải phóng miền Nam

Ngày 27-1-1973 Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Trước đó, trong 12 ngày đêm của tháng 12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã mở đợt không kích bằng máy bay B52 ở Hà Nội, Hải Phòng. Quân và dân miền Bắc buộc phải mở chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” bắn rơi liên tiếp pháo đài B52 trên bầu trời miền Bắc.
Tôi được làm sĩ quan Quân giải phóng miền Nam

Ngày 27-1-1973 Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Trước đó, trong 12 ngày đêm của tháng 12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã mở đợt không kích bằng máy bay B52 ở Hà Nội, Hải Phòng. Quân và dân miền Bắc buộc phải mở chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” bắn rơi liên tiếp pháo đài B52 trên bầu trời miền Bắc.

Ở miền Tây Nam bộ, thi hành Hiệp định Paris, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu theo lệnh trung ương, thành lập “Ủy ban liên hiệp đình chiến” ở cấp khu. Lúc bấy giờ, tôi là Ủy viên Thường trực Ban Tuyên huấn Khu ủy, kiêm Tổng Biên tập Báo Giải Phóng của khu, được lệnh tham gia vào Ủy ban Liên hiệp đình chiến khu với danh nghĩa là sĩ quan báo chí. Ôi! Hồi nào tới giờ, suốt 2 thời kỳ kháng chiến, tôi chỉ làm cán bộ đoàn thể và tuyên huấn Đảng, có biết gì về sĩ quan quân đội.

Bây giờ, làm sĩ quan trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến thì phải có cấp bậc rõ ràng để giao dịch ăn nói với đối phương. Anh em trong Bộ Tư lệnh Khu nói vui với tôi: “Biết phong cho ông cấp bậc gì đây? Ủy viên một ban cấp khu thì phải là trung tá hay thiếu tá!”. Tôi cười đáp: “Tôi có muốn đâu, nghị quyết của Khu ủy thì phải chấp hành; sĩ quan gì mà không biết cách chào như thế nào cho đúng luật!”… Thế là tôi được trao quân phục và quân hàm cấp tá và Nguyễn Linh - một phóng viên Báo Giải Phóng cùng đi với tôi được phong trung úy. Suốt một buổi, anh em bộ đội phải tập cho 2 đứa tôi cách đi đứng, chào hỏi… cho đúng quân phong, quân kỷ.

Một buổi họp của Trung ương Cục miền Nam (người đứng áo sẫm là đồng chí Nguyễn Văn Linh), đồng chí Võ Văn Kiệt đeo kính, áo trắng, ngồi giữa. Ảnh: TƯ LIỆU

Một buổi họp của Trung ương Cục miền Nam (người đứng áo sẫm là đồng chí Nguyễn Văn Linh), đồng chí Võ Văn Kiệt đeo kính, áo trắng, ngồi giữa. Ảnh: TƯ LIỆU

Một ngày đầu tháng 2-1973, Đoàn Ủy ban Liên hiệp đình chiến Tây Nam bộ chúng tôi tập hợp tại một khu đất trống, có lẽ là sân bóng đá ở một xã thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ, để chờ trực thăng của đối phương đến rước ra thành phố Cần Thơ làm việc, theo thỏa thuận giữa bên ta và đối phương.

Chờ đến 8 giờ sáng mà không thấy trực thăng đến rước. Bất ngờ, nửa giờ sau, pháo tầm xa của địch từ lộ vòng cung Cần Thơ bắn tới tấp vào vùng giải phóng, và tiếp đó là máy bay trinh sát và nhiều tốp trực thăng quần đảo, bắn xối xả và đổ quân càn quét cách đó độ vài cây số. Chúng tôi vội rút vào một khu vườn hoang, vừa phòng ngự, vừa chờ xem thế nào. Thế là địch đã phản bội lời giao ước của Ủy ban Liên hiệp đình chiến hai bên, đã trắng trợn phá hoại Hiệp định Paris, xua quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Theo đồng chí Lê Đức Anh, lúc bấy giờ là Tư lệnh Quân khu 9 (Tây Nam bộ) nhận xét: “Đến cuối tháng 3-1973, quân ngụy Sài Gòn không chỉ chiếm lại hầu hết những vùng đất ta giải phóng được trong đợt tiến công “thời cơ” trước ngày 28-1-1973 (tức ngày Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực), mà còn bắt đầu lấn sâu vào vùng giải phóng toàn Nam bộ. Tại Khu 8 chỉ trong 2 tháng, riêng 4 tỉnh: Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công, Kiến Tường, địch đã đóng thêm 287 đồn bót, lấn chiếm 129 ấp thuộc 24 xã”.

Một ngày cuối tháng 1-1973, anh Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt), Bí thư Khu ủy Tây Nam bộ đến cơ quan Thành ủy Cần Thơ, đóng tại Hỏa Lựu - Vị Thanh (Cần Thơ) để nghe báo cáo tình hình và thăm một trung đoàn chủ lực của ta. Sau đó, anh đến chỗ đóng quân của chúng tôi - Ủy ban Liên hiệp đình chiến Tây Nam bộ. Gặp tôi, anh hỏi: “Ủa Quang, cậu làm gì ở đây?” - Tôi cười nói: “Anh quên rồi sao? Chính quyết định của các anh (Thường vụ Khu ủy) bắt tôi ra làm sĩ quan báo chí trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến!”. Anh xua tay: “Ừ hén! Thôi… thôi không có Ủy ban Liên hiệp đình chiến hay sĩ quan báo chí gì hết!... Về… về làm Thường trực Ban Tuyên huấn, sĩ quan báo chí tờ Giải Phóng của cậu đi”.

Ngồi vào bàn, anh nói với chúng tôi: “Tôi ở 2 ngày tại Hỏa Lựu - Vị Thanh đã thấy rõ những hành động công khai phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ - Thiệu. Chúng xua quân càn quét lấn chiếm, giành đất, giết dân, tàn sát đồng bào ta. Tôi đã ra lệnh cho trung đoàn chủ lực, địa phương quân và du kích đánh trả lại địch tức khắc!”.

Có anh trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến hỏi lại: “Không chờ lệnh của Trung ương Cục sao anh?”. Anh đáp: “Chờ cái nỗi gì, đánh rồi báo cáo sau! Tướng giữ ải mà, giặc đến là phải đánh”.

Anh còn nói với tôi: “Riêng cậu Quang, phải về ngay, chỉ đạo thông tấn xã và hệ thống tuyên huấn khu kịp thời đưa tin, tố cáo hành động công khai phá hoại hiệp định, cổ động quân và dân ta chiến đấu, đánh trả lại địch, tiến công lại địch, giành dân, giữ đất đến cùng!”.

Chỉ trong vài tháng đầu năm 1973, địch đã huy động 75 tiểu đoàn, cả thủy, lục, không quân đánh vào vùng giải phóng Chương Thiện - Cần Thơ của ta. Trong khi đó, một số nơi vẫn chủ trương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris, “ghìm cương vỗ béo”. Có một đoàn cán bộ từ Trung ương vào họp hội nghị binh vận Miền, đã đề ra chủ trương 5 cấm chỉ, tức là: cấm tiến công địch, cấm đánh địch đi càn quét lấn chiếm, cấm bắn pháo vào đồn địch, cấm bao vây đồn bót địch, cấm xây dựng ấp xã chiến đấu.

Thế mới biết vai trò của người lãnh đạo ở địa phương quan trọng như thế nào? Vai trò của anh Võ Văn Kiệt đã dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tình hình thực tiễn ở địa phương mình phụ trách. Chính nhờ đó, Trung ương cấp tốc ban hành chủ trương tiến công lại địch, làm biến chuyển tình hình, dẫn đến tổng tiến công nổi dậy, giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30-4-1975.

Lời nói của anh Võ Văn Kiệt về trách nhiệm của tướng giữ ải phải đánh trả lại địch với Ủy ban Liên hiệp đình chiến Tây Nam bộ hôm đó đã làm tôi nhớ lại cái thời mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ ngày 23-9-1945. Thuở đó, Bí thư Xứ ủy Nam bộ là Trần Văn Giàu. Trong cuộc họp bàn về những hành động gây hấn của quân Pháp, núp sau lưng quân Đồng minh Anh, trở lại xâm lược nước ta, có ý kiến của đại biểu Trung ương là phải đánh điện xin ý kiến Trung ương rồi mới được đánh trả lại địch.

Đồng chí Trần Văn Giàu đã mạnh dạn cho rằng: “Thời phong kiến kia mà tướng giữ ải còn có thể đánh trả lại địch trước khi có lệnh vua; còn thời dân chủ bây giờ mà phải đợi lệnh của cấp trên rồi mới được phép chống trả lại địch là thế nào? Tôi là tướng giữ ải, tôi tuyên bố: Mở đầu cuộc kháng chiến ngay lập tức trong ngày 23-9-1945”.

Thật là một sự trùng hợp độc đáo giữa 2 đồng chí lãnh đạo ở Nam bộ ở hai thời buổi cách nhau 28 năm (1945-1973) đã nói lên ý chí anh hùng bất khuất của “Nam bộ thành đồng” trong quá trình lịch sử giữ nước của dân tộc ta ở vùng đất này.

Xa hơn nữa, trên 100 năm về trước, năm 1859, thực dân Pháp mở đầu xâm lược nước ta ở mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thì lệnh vua lúc bấy giờ là buông gươm, thỏa hiệp, đầu hàng… Thế mà ở vùng đất phương Nam này những vị anh hùng như: Trương Định, Thủ Khoa Huân, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực… đã dẫn đầu nghĩa quân chống trả quyết liệt với địch đến hơi thở cuối cùng. Thà hy sinh chứ nhất định không đầu hàng giặc.

Ôi Nam bộ! Một vùng đất mới chỉ trên 300 năm, ông bà ta từ Bắc, Trung vào Nam, khai phá mở mang bờ cõi, đã tạo ra những lớp con, cháu thấm nhuần và phát huy cao độ truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của tổ tiên trong các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ ở thế kỷ 20. Thấm thía và tự hào biết bao! Tôi được làm sĩ quan Quân giải phóng miền Nam, dù chỉ trong 1 tháng, đã chứng kiến những ngày tháng sôi nổi, cực kỳ quyết liệt giữa ta và địch sau Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam.

PHẠM QUANG

Tin cùng chuyên mục