Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai:
65 năm gắn bó và tận tụy đóng góp cho sự nghiệp trồng người nhưng ít ai hiểu được Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai lại bắt đầu sự nghiệp trồng người chỉ bằng một lời mời từ người bạn. Để thấu hiểu hết những đóng góp, những trăn trở, những mong muốn của người thầy đặc biệt này cho giáo dục nước nhà, Báo SGGP xin giới thiệu bài phỏng vấn khi thầy chưa lâm bệnh của PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân (Khoa Văn học - Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH-NV thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) - là học trò của GS-NGND Hoàng Như Mai.
- PGS-TS NGUYỄN THỊ THANH XUÂN: Bản chất và phong thái là nghệ sĩ, nhưng thầy đã hiến trọn đời mình cho giáo dục. Từ đâu lại có sự lựa chọn này?
>> GS-NGND HOÀNG NHƯ MAI: Tôi bắt đầu làm nghề dạy học từ lời mời của một người bạn. Đó là một ngôi trường tư ở Hải Dương. Cảm giác ban đầu là thú vị, vì được tiếp xúc với thanh niên. Các bạn thanh niên bây giờ đôi khi khó chịu vì có cảm giác bị lãnh đạo, nhưng thanh niên chúng tôi trước năm 1945 hầu như rất khao khát được chỉ đạo. Chí ít đó là tâm trạng thật của tôi, bạn bè tôi và học trò của tôi thuở ấy. Chúng tôi như cây chuối đứng giữa cơn gió bão, tàu lá rách tả tơi, không biết nên ngả về hướng nào... Chúng tôi như người bộ hành lỡ bước, trời chiều, đường xa không biết sẽ dừng chân ở nơi đâu... Nói như Tố Hữu, đó là tâm trạng “bâng khuâng đứng giữa đôi giòng nước”. Những ngày cuối tuần, tôi thường về Hà Nội để gặp gỡ, hỏi bạn, hỏi thầy. Xã hội ta lúc ấy có nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Chọn được một con đường để đi không phải dễ dàng!
Từ năm 1945, tôi tham gia phong trào cách mạng, muốn đi vào con đường làm báo, tuyên truyền, diễn kịch. Nhưng khi sang diễn kịch ở Thái Bình, tôi lại được chính quyền ở đó mời làm hiệu trưởng. Có lẽ, những bước khởi đầu như thế này là cơ sở để nhà nước sắp xếp cho tôi vào ngành giáo dục, dù tôi đã có mấy năm rẽ sang lĩnh vực văn hóa. Từ đó, tôi gắn bó với nghề này cho đến bây giờ.
- Trong công việc giảng dạy, thầy chú ý nhất những khía cạnh nào?
Trước đây, ước vọng của tôi là làm báo. Công việc dạy học, theo tôi, có một điểm chung với việc viết lách, đó là hành động: “Vốc hạt giống ném tung trước gió” (Hoàng Tích Chu). Nói cách khác, đó là vấn đề xây dựng mối quan hệ thầy trò.
Tôi luôn muốn tìm sự đồng cảm, tin cậy ở học trò qua những giờ giảng bài. Tôi lưu giữ từ 50 năm nay tất cả thư từ mà học trò tôi đã gửi cho tôi. Bây giờ, tôi đọc lại những bức thư ấy, lắm lúc tưởng như là truyện cổ tích. Đó là thời kỳ hoàng kim của giáo dục. Tôi định nếu có điều kiện sẽ tập hợp lại in thành một tập sách.
Đối với tôi, có lẽ vấn đề con người lớn hơn vấn đề học thuật. Những trang viết của tôi cũng mang dáng dấp một người làm báo hơn là làm nghiên cứu. Nhà nghiên cứu thường phải có một khoảng cách nhất định đối với thời đại mà tôi thì không thể như vậy, dù cho đến bây giờ tôi vẫn đọc nhiều sách chuyên môn để viết, để nói chuyện, để giảng dạy.
- Thầy có suy nghĩ gì về vấn đề giáo dục nước nhà?
Đó là một câu chuyện rất dài làm lớp già chúng tôi thao thức băn khoăn. Tôi hay nghĩ đến vấn đề tôn sư trọng đạo như là một truyền thống tốt đẹp, đã trở thành quốc sách của dân tộc. Giờ đây truyền thống ấy phải chăng đang có dấu hiệu rạn nứt? Những truyền thống khác trong nền giáo dục của cha ông ta cũng chưa được lưu tâm đúng mức. Theo tôi, giáo dục thời phong kiến không phải tầm thường và chương trình giáo dục trong thời Pháp và Mỹ chiếm đóng cũng có những điều khả thủ. Dù muốn dù không, tất cả cũng đã trở thành một bộ phận trong đời sống tinh thần của dân tộc. Chúng ta cần hiểu rõ để tạo nên bản lĩnh dân tộc, để không phải đi lên bằng con số không. Tôi tin rằng, nếu biết chắt lọc những cái hay, cái đẹp trong truyền thống giáo dục của ta và tiếp thu chủ động, sáng tạo những tinh hoa trong truyền thống giáo dục của các nước trên thế giới, đặc biệt chú ý kinh nghiệm của các nước ASEAN, chắc chắn nền giáo dục chúng ta sẽ phát triển.
- Mối quan tâm lớn nhất của thầy hiện nay?
Về xã hội, đó là dân trí. Mọi việc là do dân trí mà ra cả. Có thể nói, dân trí của mình còn thấp lắm. Người dân mình chưa hiểu rõ pháp luật và chưa thấy hết cái lợi của pháp luật để mà tuân thủ; chưa hiểu thấu đáo quyền làm chủ của công dân, để mà góp phần xây dựng nền dân chủ. Lại phải trở lại với giáo dục. Hết thế kỷ 20, những gì Nguyễn Trường Tộ đặt ra vẫn còn ý nghĩa thời sự.
Về cá nhân, tôi thấy mình đã may mắn gặp nhiều người tốt, trong đó có những đảng viên cộng sản mẫu mực như Trần Huy Liệu, Trần Đình Long. Tôi luôn tự nhủ phải sống và hành xử như những người cộng sản, dù tôi không phải là đảng viên cộng sản.
Tuổi 20, tôi thích làm chính trị đã có ý thức tự rèn luyện bản thân để sẵn sàng đi tù. Những khát vọng tuổi trẻ ấy ít nhiều đã để lại dấu vết trong cuộc đời tôi. Cho đến giờ tôi vẫn rất ít nhu cầu cá nhân và có một sức chịu đựng vững vàng, có một khả năng thích ứng với hoàn cảnh. Thích ứng chứ không thích nghi. Tôi yêu Nguyễn Bỉnh Khiêm, như biểu tượng của một con người sống trong thời loạn vẫn giữ được sự thanh cao và tư tưởng quán thế. Nhân cách con người rất quan trọng. Giữ được nhân cách thì mới làm được cái gì cho xã hội.
- Có phải nhờ vậy mà thầy luôn giữ được tinh thần minh mẫn, sức làm việc dẻo dai? Hiện nay, thầy đã có thể dành thì giờ cho những công việc mà mình yêu thích?
Phải, nhưng cũng có phần trời cho nữa (cười). Hiện nay được tiếp xúc với học sinh trung học (Trường THPT Trương Vĩnh Ký), tôi thấy mình trẻ lại. Có thể nói, việc giảng dạy ở trung học thú vị hơn. Ở đại học, các bài giảng dồn nén nhiều kiến thức quá. Mà những kiến thức ấy cũng chưa phải là hoàn toàn mới mẻ!
Thế hệ chúng tôi và các anh chị tiếp sau, cách quãng độ 30 năm đến nửa thế kỷ với khoa học thế giới. Khoảng cách này khắc phục rất khó. Người thầy cần tự học, tự đào luyện, nỗ lực gấp nhiều lần thì học sinh, sinh viên ta mới không thiệt thòi. Tôi cũng dành thì giờ để đọc sách. Gần đây, mắt tôi khá hơn nên tôi có thể đọc nhiều. Với tôi, đọc và giảng bài là thú vui, là niềm hạnh phúc!
- Xin cảm ơn thầy!
PGS-TS NGUYỄN THỊ THANH XUÂN (Thực hiện)
Thầy Hoàng Như Mai của chúng tôi
Các anh, các chị là học trò nhiều thế hệ đều báo tin về việc thầy Mai đã qua đời. Từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ, TPHCM…
Thầy Mai - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai, là một nhà sư phạm có uy tín. GS-NGND Hoàng Như Mai là một nhà văn hóa tinh tế và bao dung. Ông đọc mọi người và viết về mọi người.
Cuối tháng 8-2013, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký chuẩn bị in cuốn sách tự truyện Tôi học đại học có nhờ tôi viết lời bạt cho cuốn sách. Tôi đọc bản thảo và nói với Ký: “Cuốn sách đầy đủ lắm rồi, nhất là có bài mở đầu của GS-NGND Hoàng Như Mai tuyệt vời quá, không cần bài viết của tôi nữa”. Nguyễn Ngọc Ký đồng ý. Sách đang chuẩn bị ra mắt bạn đọc. Vậy là Ký không thể dâng tặng thầy Mai được nữa rồi, trong cuốn sách của Ký có tình cảm của chúng tôi.
Ở thế hệ chúng tôi, những sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội thời chống Mỹ, có thể kiến thức, học thuật không đa dạng và phong phú như bây giờ, nhưng học cách làm người, làm người chiến sĩ thì chúng tôi tự hào. “Chọn thời mà sống chăng? Anh sẽ chọn vào năm nào ấy nhỉ? /Cho tôi sinh ngày Đảng dựng xây đời / Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy / Bên những dũng sĩ diệt xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”. Thầy Mai thường đọc sang sảng những câu thơ ấy của Chế Lan Viên trên giảng đường cho chúng tôi nghe và thuộc.
Những thầy cô giỏi có uy tín lớn như Ngụy Như Kon Tum, Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Hữu Yên, Tôn Gia Ngân, Bạch Năng Thi, Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Hồng Sâm, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Tài Cẩn… và Hoàng Như Mai, chúng tôi yêu kính các thầy cô, nhưng yêu thích nhất là những buổi lên lớp của thầy Hoàng Như Mai. Các bài giảng của thầy luôn truyền cảm hứng cho sinh viên. Không chỉ gói gọn trong khuôn khổ giáo trình, thầy Mai còn gợi mở cho chúng tôi. Thầy là thầy dạy học, là nghệ sĩ, một thi sĩ trên giảng đường. Ông khẳng định vẻ đẹp, giá trị những sáng tác của văn nghệ sĩ cách mạng, ông phục tài của những nhà thơ như Hàn Mặc Tử, Bích Khê…, kể cả những người “lạc đường” như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng…
Giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc, giảng đường phải nằm dưới hầm sâu, vách đất, mái tranh, có tiếng máy bay Mỹ gầm rú, chúng tôi nghe tiếng giảng bài ấm áp. Thầy Hoàng Như Mai hồi trẻ tham gia đoàn kịch nói nên giọng nói của thầy rất truyền cảm, âm vang. Trong số sinh viên chúng tôi, một số người sau khi tốt nghiệp lên đường ra chiến trường, các thầy cô và đặc biệt là thầy Mai dõi theo từng người từng ngày.
Thầy Mai bình thơ, sáng tác thơ, điều đó khiến chúng tôi gần gũi. Có bài thơ nào ông cũng gửi chúng tôi cùng chia sẻ. Là một giáo sư, ông có công nghiên cứu văn hóa dân tộc. Vào TPHCM, ông thường xuyên đi xem, gặp mặt nghệ sĩ, soạn giả, tham gia các hội thảo… để có một công trình nghiên cứu về nghệ thuật cải lương.
Còn nhớ, trong đám cưới anh Hoàng Trí Dân (con trai của thầy Hoàng Như Mai), nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nói: “Thật xúc động ở tuổi này tôi còn được đi dự đám cưới. Vui lắm! Chúc mừng GS Hoàng Như Mai”.
Sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội và sinh viên Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là Đại học KHXH-NV) đã có một buổi gặp mặt thân tình. GS-NGND Hoàng Như Mai đến dự và chụp ảnh chung với anh chị em. Ông gọi cô Như Tâm, diễn viên múa của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam, ngồi cạnh. Như Tâm (nổi tiếng với vai Ong Chúa) đã treo tấm hình trong phòng làm việc như một kỷ niệm đẹp.
Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai, thầy Mai kính yêu của chúng tôi!
VŨ KHOA VŨ ÂN THY