Thành lập ngày 29-11-2006, lực lượng Cảnh sát môi trường (nay là Cơ quan Phòng chống tội phạm về môi trường) đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập, Đại tá Phan Hữu Vinh, Cục phó Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về thực trạng và những biện pháp đấu tranh với tội phạm môi trường hiện nay. Đại tá Phan Hữu Vinh cho biết:
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường những năm qua diễn ra khá phức tạp và xuất hiện ở nhiều khu vực, nhiều địa bàn kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Trong đó, nổi lên một số lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân như vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nước thải, chất thải công nghiệp; nhập khẩu phế thải, phế liệu; hoạt động mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã, quý hiếm; xâm hại tài nguyên, khoáng sản; quản lý, xử lý rác thải y tế, bệnh phẩm và nước thải tại các bệnh viện…
* PV: Vấn đề nổi cộm về vi phạm môi trường trong lĩnh vực công nghiệp hiện nay là gì, thưa ông?
* Đại tá PHAN HỮU VINH: Đó là chất thải rắn phát sinh từ các khu công nghiệp ngày càng lớn về số lượng, đa dạng về tính chất độc hại. Trong khi đó, tỷ lệ thu gom, phân loại và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh môi trường rất thấp. Việc quản lý, vận chuyển và đăng ký nguồn thải, chất thải nguy hại mới chỉ đạt tỷ lệ khoảng 20% tổng lượng chất thải công nghiệp.
* Hành vi vi phạm nào ở lĩnh vực này được cho là phổ biến nhất thời gian qua?
* Hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất mặc dù đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng hoạt động không đều, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn đã xả ra môi trường. Do chi phí cho hoạt động xử lý nước thải cao, nên các doanh nghiệp (DN) thường bỏ qua các công đoạn, tìm cách lắp đặt thêm đường ống ngầm, máy bơm để xả thải ra môi trường. Vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý nước thải của các DN rất tinh vi. Cụ thể như xả nước thải vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ; vận hành không đúng quy trình xử lý; xây dựng 2 hệ thống xử lý để đối phó việc kiểm tra của các cơ quan chức năng; một số DN vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại chôn lấp chất thải nguy hại tại khuôn viên DN mình, hoặc đưa đi đổ ở bìa rừng, đồng ruộng, ao hồ…
* Việc quản lý và xử lý môi trường tại các bệnh viện, cơ sở y tế hiện nay ra sao, thưa ông?
* Hiện mới chỉ có 20% bệnh viện, cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn. Hầu hết rác thải chưa được quản lý và xử lý chặt chẽ theo quy chế xử lý chất thải y tế. Nhiều loại rác thải y tế nguy hại như vỏ chai, dây truyền dịch, bơm kim tiêm, găng tay cao su… vẫn lén lút bán cho các cơ sở phế liệu. Nhiều bệnh phẩm, nước thải y tế chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt được đổ bừa bãi vào môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước, không khí và đất, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân.
* Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
* Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó nổi lên là tình trạng nhiều địa phương ồ ạt cấp phép đầu tư, thiếu chọn lọc và bỏ qua nhiều công đoạn thẩm định dự án, đánh giá tác động môi trường; không bắt buộc các DN xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường còn lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát các biện pháp bảo vệ môi trường. Mặt khác, công tác quy hoạch tại các địa phương còn nhiều bất cập, nhiều loại dịch vụ ăn theo mọc tràn lan xung quanh các khu công nghiệp và tốc độ đô thị hóa cao, cũng góp phần làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp.
* Vậy giải pháp nào được C49B đặt ra trong thời gian tới, thưa ông?
* Trọng tâm các giải pháp được C49B đặt ra là công tác phối kết hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn và các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường đến người dân và các DN tự giác chấp hành các quy định pháp luật về môi trường. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên tất cả các lĩnh vực.
Cơ quan chức năng vừa phát hiện Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Kim Thư Bình (tỉnh Đồng Nai) lợi dụng quy trình kiểm hóa 5% tổng số lượng hàng hóa nhập khẩu, đã mở cùng lúc 2 hồ sơ nhập khẩu thép và phế liệu nhựa tại Cảng Sài Gòn KV1. Tổng cộng đã có 5 container trọng lượng 140 tấn nhựa phế liệu được nhập về qua thủ đoạn này bị phát hiện và bước đầu xác định số hàng hóa trên không nằm trong danh mục nhập khẩu. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố điều tra hình sự để đưa ra xét xử trong thời gian tới. (Nguồn C49B) |
HOÀI NAM (thực hiện)
| |