Tồn tại hay không tồn tại?

Hội nghị cấp cao lần thứ 7 của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã bế mạc ngày 3-12 vừa qua. 56 thành viên của OSCE đã không đạt được nhất trí chung về một kế hoạch hành động chi tiết để nâng cao ảnh hưởng của tổ chức trong tương lai. OSCE chỉ có thể thông qua “Tuyên bố Astana”, trong đó hầu như không đề cập đến những vấn đề then chốt mà tổ chức này đang phải đối mặt.

OSCE là tổ chức an ninh toàn cầu duy nhất gồm tất cả các nước châu Âu và có quan hệ với khu vực Bắc Mỹ. Kể từ khi được thành lập hồi những năm 1970, con số thành viên của OSCE đã tăng lên hơn 50 và tổ chức bắt đầu mở rộng quy mô. Cùng với thời gian, hiện có nhiều ý kiến cho rằng sức mạnh của OSCE đang bị suy giảm, thể hiện qua việc các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh và Pháp đều không có mặt tại hội nghị năm nay.

Theo Tân Hoa xã, Hội nghị cấp cao Astana lẽ ra đã thảo luận các biện pháp phối hợp giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ngăn chặn thảm họa tự nhiên và giải quyết các tranh chấp khu vực. Tuy nhiên, trọng tâm của các đại biểu tham dự lại khá tản mạn. Trong “Tuyên bố Astana”, những vấn đề như tranh chấp Nagorno-Karabakh, các khu vực ly khai ở Gruzia và khu vực phiến quân Transdniestr ở Moldova vẫn chưa được giải quyết. Điều này làm nảy sinh câu hỏi về khả năng của OSEC trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Mặc dù OSCE xem ra đã suy yếu, song Mỹ và Nga, với những lý do khác nhau, vẫn chưa hoàn toàn rút khỏi tổ chức này. Trong những năm gần đây, Nga-người khổng lồ mới thức giấc-có một số bất đồng với các nước châu Âu về việc cung cấp năng lượng, an ninh biên giới và hạt nhân của Iran.

Mátxcơva cũng cảm thấy không thoải mái khi bị OSCE gây sức ép trong cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Gruzia năm 2008. Từ đó, Kremlin nhận ra rằng cần phải năng động hơn trong quan hệ với châu Âu. Vì OSCE bị coi là tổ chức yếu kém và lỏng lẻo nhất trong 3 trụ cột an ninh của châu Âu, bao gồm cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), nên tổ chức này được Nga chọn là nơi để họ bắt đầu gây ảnh hưởng.

Trên thực tế, Nga muốn tập trung vào các vấn đề như ngăn chặn NATO mở rộng về phía Đông và kêu gọi chấm dứt sự độc quyền của NATO trong cơ cấu an ninh châu Âu.

Trong khi đó, đối với Mỹ, NATO là một tổ chức rất hữu ích giúp họ kiểm soát các vấn đề của châu Âu. Còn OSCE cũng là một tổ chức rất cần thiết để giúp Mỹ có vị trí ở Trung Á. Tất cả các nước ở Trung Á đều là thành viên của OSCE, nên đương nhiên Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ tốt đẹp với họ cũng như tổ chức này nói chung. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ, nhất là khi họ đang hiện diện quân sự ở Afghanistan.

Mặc dù hội nghị cấp cao lần này không mang lại những kết quả cụ thể, song Tổng thống nước chủ nhà Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã ca ngợi việc thông qua “Tuyên bố Astana” là một “thành tựu mang tính lịch sử”, góp phần biến OSCE thành một cộng đồng an ninh xuyên Đại Tây Dương hùng mạnh hơn.

Tồn tại hay không tồn tại? Tương lai của OSCE đang là vấn đề cần được quan tâm.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục