Tổng cục Thi hành án dân sự: Số thụ lý mới tăng gần 47.000 việc

Theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự, năm 2017, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số thụ lý mới tăng gần 47.000 việc (5,57%) và trên 28.000 tỷ đồng (19,67%), cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 173.000 tỷ đồng).
 
 
 
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự, chỉ đạo Hội nghị
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự, chỉ đạo Hội nghị

Chiều 25-11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2018. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự.

Theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự, năm 2017, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số thụ lý mới tăng gần 47.000 việc (5,57%) và trên 28.000 tỷ đồng (19,67%), cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 173.000 tỷ đồng), song các cơ quan thi hành án đã thi hành xong gần 550.000 việc và trên 35.000 tỷ đồng, tăng gần 19.000 việc và trên 6.000 tỷ đồng so với năm 2016.

Trong đó, kết quả thi hành đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng đạt gần 4.500 việc và gần 28.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 việc và hơn 8.000 tỷ đồng; giá trị thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự tăng gần 1.500 tỷ đồng so với năm 2016.

Những kết quả đạt được đã góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; trực tiếp giải phóng các nguồn lực kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khuyến khích phong trào khởi nghiệp.

Tổng cục Thi hành án dân sự thẳng thắn nhìn nhận, năm 2017, số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền, còn gần 57.000 tỷ đồng, chiếm 34,68% tổng số phải thi hành.

Đáng lưu ý, trong số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau, hệ thống thống kê còn chưa rành mạch được bao nhiêu án có điều kiện thi hành mới thụ lý giải quyết và bao nhiêu án có điều kiện thi hành nhưng đã kéo dài rất nhiều năm, từ đó, có thái độ, biện pháp điều hành phù hợp, hiệu quả hơn.

Tương tự, đối với lượng án chưa có điều kiện thi hành, hệ thống thống kê cũng chưa tách bạch được số án chưa có điều kiện thi hành đã kéo dài hàng chục năm không thể xử lý để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, có biện pháp xử lý.

Về án hành chính, số vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp. Nhiều trường hợp Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án (40 trường hợp) cho thấy kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật còn chưa nghiêm. 

Tin cùng chuyên mục