Sau 4 tuần tiến hành thí điểm phân loại rác tại hộ gia đình trên tuyến đường Độc Lập (phường Tân Thành, Q.Tân Phú), Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đã tổ chức buổi tổng kết hoạt động vào sáng ngày 18-1-2014 tại UBND phường Tân Thành, quận Tân Phú. Bên cạnh các hộ dân và các Tuyên truyền viên được tuyên dương khen thưởng, đây còn là buổi rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho việc nhân rộng mô hình này trên khắp thành phố.
Đại diện Báo Sài Gòn Giải Phóng, TS.Nguyễn Văn Lương, Phó Bí thư Đảng ủy Báo SGGP - Giám đốc Trung tâm truyền thông và Quảng cáo đã cho biết, phát triển kinh tế không gắn liền với việc quan tâm đúng mức đến môi trường đã và đang khiến cho môi trường TPHCM ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Xuất phát từ thực tế đó, từ năm 2011, TPHCM đã xác định giảm thiểu ô nhiễm môi trường thành một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của thành phố giai đoạn từ 2011-1015. Song song đó, các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường chưa được đầu tư đồng bộ và triển khai rộng rãi. Công tác bảo vệ môi trường không chỉ do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện mà rất cần có sự chung tay bảo vệ, đóng góp của cộng đồng, tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp.
Đứng trước nhu cầu cấp bách đó, các chiến dịch, hoạt động kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng diễn ra khá sôi nổi. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn còn nhiều hạn chế, các hoạt động chỉ mới chủ yếu tập trung vận động người dân có ý thức không xả rác bừa bãi. Về phía các đơn vị nhà nước thì đơn phương đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống xử lý chất thải nhưng tuổi thọ cũng như hiệu quả xử lý của các công trình này không cao do thiếu sự hợp tác, liên kết chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân và nhất là cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, những dự án, chương trình tuy có sự liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng nhưng vẫn không được duy trì thành hệ thống, không xây dựng trên những tiêu chí rõ ràng dẫn đến sức bền của dự án cũng không có tính chất lâu dài, bền vững.
Từ thực tế trên, rất cần phải xây dựng được những khu phố xanh hoàn thiện điển hình làm mẫu để nhân rộng ra trên toàn khu vực dân cư trên địa bàn thành phố. Theo đó, khu phố xanh phải được xây dựng những tiêu chí mẫu cụ thể và thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, phương tiện thông tin truyền thông và cơ quan chức năng. Cộng đồng sẽ đóng vai trò gìn giữ và phát huy mô hình khu phố xanh đó. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân ngày càng nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường, từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm thay đổi hành vi, ý thức của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường, thay đổi những phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng xấu đến môi trường sống. Trong đó, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn sẽ góp phần làm giảm chi phí vận chuyển và diện tích đất chôn lấp; giảm được gánh nặng chi phí trong việc xử lý nước rỉ rác, xử lý mùi cũng như các tác động tiêu cực khác đến môi trường - hiện đang là một vấn đề môi trường nan giải ở các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng.
Sau khi tiến hành thí điểm vận động các hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn, đã thu được những hiệu quả đáng khích lệ với 90% số hộ cam kết thực hiện lâu dài và 60% trong số đó thực hiện phân loại tốt trong thời gian vừa qua. Mong rằng những người dân có mặt tại đây sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống cũng như bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và những thành viên trong gia đình chúng ta.
NGÂN THANH