Tổng thống Mỹ bổ nhiệm ông Jerome Powell làm Chủ tịch FED

Ngày 2-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lựa chọn ông Jerome Powell, một thành viên của Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giữ chức Chủ tịch FED thay thế bà Janet Yellen sau khi bà này hết nhiệm kỳ vào tháng 2-2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lựa chọn ông Jerome Powell làm Chủ tịch FED. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lựa chọn ông Jerome Powell làm Chủ tịch FED. Ảnh: REUTERS

Ông Powell được bổ nhiệm vào Hội đồng Thống đốc của FED từ năm 2012, một người được cho là có quan điểm mềm mỏng theo đường lối ôn hòa. Theo giới chức Nhà Trắng, ông Powell được lựa chọn dựa trên trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc tại FED cũng như khả năng phối hợp với Tổng thống Trump. Còn Tổng thống Trump gọi ông Powell là một người cứng rắn, thông minh và có đủ sự khôn khéo cũng như kỹ năng lãnh đạo để dẫn dắt nền kinh tế Mỹ. 

Richard Fisher, cựu Chủ tịch Fed Dallas, người đã làm việc với ông Powell tại Fed nói, ông Powell “không phải là người muốn giữ lãi suất thấp để kích thích tạo ra việc làm và cũng không muốn nâng lãi suất mạnh để kiềm chế lạm phát”.

Nếu được Thượng viện Mỹ chuẩn y, ông Powell sẽ là vị Chủ tịch Fed đầu tiên trong bốn thập kỷ mà không có bằng cấp về kinh tế. Ông đã có kinh nghiệm làm trong các ngân hàng đầu tư, tương phản với bà Yellen và người tiền nhiệm Ben S.Bernanke, những giáo sư kinh tế.

Giới hoạch định chính sách và thị trường tài chính coi ông Powell là một sự lựa chọn an toàn của Tổng thống Trump bởi ông này được cho là sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hiện tại của Mỹ. Một cuộc thăm dò với 144 nhà đầu tư do Evercore ISI tiến hành cho thấy họ mong đợi ông Powell sẽ tăng lãi suất nhanh hơn chút ít so với những gì bà Yellen làm thời gian qua.

Sau quyết định này của Tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán tại Mỹ và châu Á phần lớn đều có phản ứng tích cực, phần lớn các chỉ số đều đồng loạt tăng điểm. Chốt phiên giao dịch ngày 2-11 tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng 0,3%, lên 23.514,81 điểm (tăng khoảng 75 điểm so với kỷ lục được xác lập hôm 27-10 vừa qua). Trong đó, giá trị cổ phiếu của các tập đoàn sản xuất máy bay Boeing, tập đoàn tài chính toàn cầu Goldman Sachs, tập đoàn công nghiệp thực phẩm McDonald's, hãng phần mềm máy tính Microsoft và tập đoàn công nghệ United Technologies ghi nhận mức tăng. 

Trong khi đó, hai chỉ số chủ chốt khác của thị trường chứng khoán New York là chỉ số S&P 500 chỉ tăng nhẹ 0,02% lên 2.579,85, còn chỉ số Nasdaq giảm 0,02% còn 6.714,94 điểm. Diễn biến trái chiều tại thị trường chứng khoán New York phần nào cho thấy giới đầu tư đang chần chờ để xem xét kế hoạch cắt giảm thuế mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi và “số phận” của kế hoạch này đang nằm trong tay các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (không kể Nhật Bản) MSCI trong phiên mở cửa sáng 3-11 cũng đã tăng 0,14%, gần đạt mức cao nhất kể từ năm 2007. 

Tin cùng chuyên mục