Theo Reuters, lúc 22 giờ 40 phút (giờ Hà Nội) ngày 23-9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã đệ trình Tổng Thư ký (TTK) LHQ Ban Ki-moon bức thư bày tỏ nguyện vọng gia nhập LHQ để trở thành quốc gia độc lập. Nội dung chính của bức thư là việc tuyên bố nhà nước Palestine độc lập dựa trên cơ sở của đường biên giới trước khi Israel chiếm đóng Palestine vào năm 1967 gồm dải Gaza, khu Bờ Tây và Đông Jerusalem trong đó Jerusalem là thủ đô.
- Thời khắc quan trọng
Sau khi trình thư, Tổng thống Abbas đã có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ. TTK LHQ sẽ trình Đại hội đồng LHQ thư xin gia nhập LHQ của Palestine. Thời khắc quan trọng này đã được Chính phủ Palestine chuẩn bị từ nhiều tháng qua, trong đó có các chuyến đi vận động con thoi. Hầu hết các nước trên thế giới ủng hộ nguyện vọng chính đáng của nhân dân Palestine, ngoại trừ Mỹ, Israel phản đối và một số nước chưa quyết định.
Phản ứng đầu tiên của phía Israel, theo người phát ngôn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, là “lấy làm tiếc” về quyết định của Palestine. Mỹ vẫn công khai bác bỏ yêu cầu độc lập của Palestine và khẳng định chỉ chấp nhận tuyên bố độc lập thông qua đàm phán Israel-Palestine.
Phát biểu với cộng đồng người Palestine tại New York, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói: “Chúng ta bị sức ép rất lớn từ Mỹ khi họ bảo rằng không nên đưa vấn đề (độc lập của Palestine) ra HĐBA LHQ. Sức ép từ trước và sau khi tôi đến New York. Nhưng chúng ta vẫn đi tới”.
Việc bỏ phiếu tại HĐBA LHQ không diễn ra ngay mà sẽ chờ để bộ tứ Trung Đông (Nga, Mỹ, EU và LHQ) thảo luận. Người Palestine còn có một lựa chọn khác là đưa vấn đề tuyên bố độc lập ra Đại hội đồng LHQ. Nhưng nếu 2/3 số phiếu của Đại hội đồng LHQ thông qua, thì họ chỉ đạt quy chế quan sát viên. Tại HĐBA LHQ, cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết nào của các thành viên thường trực, Palestine mới trở thành quốc gia độc lập. Trong vài tuần tới, sẽ có các hoạt động ngoại giao con thoi trước khi bỏ phiếu.
- Ông Obama không muốn mất lòng cử tri Do Thái
Những ngày này, người dân Palestine ở khắp nơi trên thế giới đều hướng về LHQ, chờ giây phút nhà lãnh đạo của họ tuyên bố độc lập. Đây được xem là nguyện vọng chính đáng của người dân Palestine sau biết bao năm theo đuổi tiến trình hòa bình nhưng đều thất bại. Cộng đồng người Palestine tại Mỹ cũng đang kêu gọi hưởng ứng quyết định độc lập. Nhiều người cho rằng, hòa bình có thể đến dễ dàng hơn nếu Mỹ thuyết phục Israel chấp thuận Palestine độc lập và chứng tỏ với thế giới rằng Mỹ và Israel muốn hòa bình với Palestine. Người khác thì nghĩ một Nhà nước Palestine cùng tồn tại với Nhà nước Israel, tại sao không?
Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết liệt bảo vệ quan điểm Palestine tuyên bố độc lập thông qua đàm phán với Israel cho thấy Washington vẫn kiên quyết bảo vệ đồng minh thân thuộc của mình ở Trung Đông. Hơn thế nữa, nước Mỹ chuẩn bị bước vào năm bầu cử tổng thống, đảng Dân chủ không muốn mất lá phiếu quan trọng của những người Do Thái và cả sự vận động tài chính của họ. Tổng thống Obama cũng muốn tránh trường hợp khiến ông mất điểm trước cử tri Do Thái cách đây không lâu, khi ông lên tiếng đòi Israel quay về đường biên giới từ trước năm 1967, tức trước khi chiếm các vùng đất của Palestine (khu vực Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem) và một số vùng của các nước láng giềng khác. Nhà báo John Heilemann của Tạp chí New York thậm chí mô tả Tổng thống Obama là “Tổng thống Do Thái” đầu tiên của Mỹ. Nhà báo này cho rằng sự nghiệp của ông Obama được xây dựng trên mối quan hệ với cộng đồng người Do Thái vốn đóng góp hậu hĩnh cho đảng Dân chủ ở Chicago.
Tuyên bố của Washington ngăn cản Palestine độc lập đã gây nên làn sóng phẫn nộ của người dân Palestine. Nhiều ngày qua, hàng ngàn người đã kéo đến trước dinh thự của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đốt hình nộm của Tổng thống Obama và cờ Mỹ.
THỤY VŨ