Khoảng đầu tháng 7-2011, trước cổng Trung tâm Bảo dưỡng và hướng nghiệp cô nhi, khuyết tật, người già neo đơn Làng Tre, thuộc xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai (gọi tắt là trung tâm) xuất hiện một thùng giấy, trong đó có một bé gái sơ sinh 2 - 3 ngày tuổi, nằm thoi thóp trên lớp báo cũ. Đại đức Thích Thiếu Bổn, Chủ nhiệm trung tâm, vội vã chạy ra ôm cháu vào sưởi ấm và sơ cấp cứu, giúp cháu thoát khỏi cơn nguy kịch. Ông đặt tên cháu là Huỳnh Thị Thiện Linh.
Khoảng 10 ngày sau một trường hợp tương tự cũng bị bỏ rơi trước cổng trung tâm. Hai chân cháu bé bị tật. Cháu được Đại đức Bổn đặt tên là Huỳnh Thị Hoàng. Sau hơn 2 tháng được ấp ủ nuôi dưỡng, sức khỏe các cháu đã ổn định. Riêng cháu Hoàng, hàng tuần đều được Đại đức ẵm đi vật lý trị liệu để nắn lại chân tại Bệnh viện Long Khánh và Bệnh viện Nhi đồng 1.
Đây là 2 trong số 60 cô nhi đang được trung tâm nuôi dưỡng (trong đó có 25 cháu bị bại não và khuyết tật bẩm sinh). Trung tâm còn nuôi dưỡng và dạy nghề đan móc cườm, làm thủ công mỹ nghệ cho 40 người khuyết tật, khiếm thị. Ngoài ra, còn có 66 ông bà cụ neo đơn, nhiều cụ bị bệnh và tật nguyền, bị con cái bỏ rơi hay lang thang không người nuôi dưỡng, cũng được trung tâm đón nhận về chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, viên thuốc cho các cụ khi đau yếu.
Ngay từ khi còn tu học ở TPHCM, Đại đức Bổn đã gặp nhiều cảnh đời gian nan cơ khổ, để giúp họ ông đã thành lập quán cơm từ thiện ở Củ Chi. Năm 2008, một người dân cảm kích tấm lòng của ông đã phát tâm hiến cho ông 4,6 ha rừng tre trúc ở xã Xuân Quế. Có đất ông bắt đầu bằng chính công sức của mình tự tay lái xe tải, xe xúc, xe ủi và cả làm thợ hồ thợ mộc, để phát hoang biến khu rừng đồi thành mảnh đất bằng phẳng để thành lập trung tâm tiếp nhận những mảnh đời khốn cùng về nuôi dưỡng. Lúc đầu trung tâm chỉ là những gian nhà vách tre mái lá. Mỗi lần mưa gió, mọi người phải cuống quýt dắt nhau chạy lên chánh điện để ẩn núp.
Bây giờ nhờ công đức của khách thập phương, trung tâm đã có 6 khu nhà bán kiên cố với tổng kinh phí xây dựng hơn 7 tỷ đồng. Trung tâm đang vận động để tiếp tục hoàn chỉnh các khu ăn ở, dạy nghề, trạm y tế, lớp học để có thể tiếp nhận nuôi dưỡng giáo dục và dạy nghề cho khoảng 500 người bất hạnh. Mến mộ lòng thiện nguyện của Đại đức Bổn, hiện nay có 30 mạnh thường quân giàu lòng nhân ái bao dung đã tình nguyện đến với trung tâm để cùng chăm sóc cho những mảnh đời bất hạnh. Trong đó có cô giáo Hoàng Thị Thu Tâm, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, 35 tuổi, đã tình nguyện đến ở và dạy học cho các cháu bé.
Đặng Chí Lợi