Tốt nghiệp rồi thất nghiệp

Tình trạng nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp rồi bị thất nghiệp hoặc phải làm những ngành nghề mang tính chất lao động phổ thông ngày càng tăng. Đây là điều không có gì bất ngờ và nếu Bộ GD-ĐT không có những thay đổi, tình trạng này sẽ tiếp diễn trong tương lai.

Tình trạng nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp rồi bị thất nghiệp hoặc phải làm những ngành nghề mang tính chất lao động phổ thông ngày càng tăng. Đây là điều không có gì bất ngờ và nếu Bộ GD-ĐT không có những thay đổi, tình trạng này sẽ tiếp diễn trong tương lai.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê - Dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), khi so sánh các năm gần đây, thấy rõ tỷ lệ SV tốt nghiệp ĐH ra trường không có việc làm tăng mạnh. Năm 2010, có gần 60.000 người trình độ ĐH ở độ tuổi dưới 30 thất nghiệp (chiếm 6,84%), nhưng đến năm 2013 đã tăng lên thành 101.000 người (chiếm 9,89%). Riêng quý 3-2013, tỷ lệ này còn tăng lên mức 11,75%.

Tình trạng SV ra trường và thất nghiệp như trên hoàn toàn có thể dự báo được, bởi lâu nay việc quy hoạch mạng lưới các trường CĐ-ĐH không được đặt trên nền tảng kinh tế - xã hội của đất nước, mà chỉ dựa duy nhất vào mục tiêu “tăng tỷ lệ SV trên dân số” mà thôi. Chẳng hạn như trong Chương trình hành động giai đoạn 2011 - 2016 của Bộ GD-ĐT, một trong những mục tiêu được bộ đề ra là nâng số SV trên một vạn dân lên 300 vào năm 2015. Như vậy có nghĩa là lâu nay, Bộ GD-ĐT chỉ nhắm đến cơ cấu SV trên số dân, mà không hề xét xem liệu nền kinh tế, cơ cấu kinh tế của quốc gia có thể thu hút, tiếp nhận được bao nhiêu phần trăm lao động có trình độ đại học để quy hoạch mạng lưới trường và xác định chỉ tiêu cho phù hợp trong trung hạn và dài hạn.

Hiện nay, nước ta vẫn là một nước nông nghiệp và chúng ta phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp, do đó việc thu hút lao động có trình độ ĐH thuộc các ngành thương mại - dịch vụ sẽ không nhiều. Thế nhưng, trong thực tế đào tạo của các trường CĐ-ĐH hiện nay với sự cho phép của cơ quan quản lý giáo dục mà cụ thể là Bộ GD-ĐT, khối ngành thương mại - dịch vụ (chẳng hạn như quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán - kiểm toán…) lại chiếm tỷ lệ áp đảo. Vậy không thất nghiệp mới là chuyện lạ. Nhìn sâu vào hiện trạng trên, chúng ta sẽ thấy trên cả nước hiện nay chỉ có TPHCM là nơi thu hút được nhiều lao động dịch vụ - thương mại ở trình độ cao, vì đây là một trung tâm kinh tế của đất nước, nhưng chỉ một mình TPHCM thì không thể nào bao hết nổi nguồn nhân lực do hàng trăm trường CĐ-ĐH đào tạo ra được.

Do đó, việc cho phép đào tạo ĐH tràn lan với một mục tiêu duy nhất là để tăng tỷ lệ SV trên dân số mà bỏ qua những thực tiễn kinh tế - xã hội khác của đất nước chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thất nghiệp của các cử nhân, kỹ sư hiện nay và chính Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm cao nhất trước hiện trạng tốt nghiệp ĐH rồi… thất nghiệp như hiện nay.

LÊ MINH TIẾN

Tin cùng chuyên mục