Nếu phương án trình Bộ GD-ĐT sớm được phê duyệt thì trong năm học mới 2016 - 2017, TPHCM sẽ tự tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT. Để thí điểm chủ trương này, ngành GD-ĐT TPHCM chuẩn bị lộ trình, bước đi như thế nào?
Học sinh TPHCM trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016
Tổ chức thi hay chỉ xét tốt nghiệp?
Khảo sát nhanh cho thấy đa phần hiệu trưởng, giáo viên các trường THPT ở TPHCM đều ủng hộ chủ trương mới này và tin rằng nó sẽ góp phần giảm áp lực học hành, thi cử cho học sinh, phụ huynh. Bởi lẽ, lâu nay các trường phải tập trung dạy đại trà các môn học để đảm bảo học sinh đậu tốt nghiệp nên áp lực rất nặng nề. Còn áp dụng cơ chế mới tự xét tốt nghiệp THPT, nhà trường sẽ chủ động, linh hoạt trong xây dựng chương trình, giảm tải phù hợp và tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ sát năng lực học sinh. Cách làm này phù hợp với xu thế phát triển giáo dục và trên thế giới nhiều nước đã phân cấp cho địa phương tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT.
Thầy Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), cho rằng đây là tín hiệu đổi mới tư duy trong quản lý giáo dục, mạnh dạn phân quyền cho địa phương tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. Từ thí điểm thành công của TPHCM, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục trao quyền và nhân rộng cách làm đến các địa phương khác. Tuy nhiên, nếu thực thi ngay trong năm học này, nhiều ý kiến còn băn khoăn và đề nghị Sở GD-ĐT TP công bố cụ thể chương trình dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh giữa kỳ, cuối kỳ như thế nào để tránh bị động. Một số chuyên gia, quản lý giáo dục thì đặt vấn đề nếu được trao quyền xét tốt nghiệp THPT thì TPHCM nên bỏ kỳ thi và chỉ nên xét tốt nghiệp qua học bạ để đỡ áp lực thi cử.
Đồng tình với quan điểm này, cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) cho rằng đánh giá năng lực học sinh là cả quá trình chứ không thể là một kỳ kiểm tra kiến thức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cũng theo cô Thu Cúc, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 với mục tiêu 2 trong một (vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH) không ổn vì nó đánh giá, phân loại chưa chính xác năng lực, trình độ của thí sinh do độ phân hóa đề quá cao. Vì thế, cơ chế không thi chung - tách bạch kỳ thi và xét tốt nghiệp THPT là phù hợp, còn tổ chức thi hay xét tuyển ĐH giao cho các trường ĐH tổ chức thì hiệu quả hơn. Điều minh chứng nữa là từ năm 2014 trở về trước tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT của TPHCM luôn cao ngất ngưởng với trên 95% nên có cần tổ chức thêm kỳ thi hay chỉ cần xét quá trình học tập 12 năm của thí sinh để xét tốt nghiệp?
Sẽ có 2 phương án
Trả lời về chủ trương TPHCM sẽ được tự tổ chức thi và xét tốt nghiệp cho học sinh cuối bậc THPT, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cho biết Bộ GD-ĐT mới đồng ý về mặt chủ trương, còn lộ trình và cách thực hiện như thế nào thì TP phải chờ quyết định chính thức mới thực hiện. Sở GD-ĐT TP cũng mới trình phương án và nếu được chấp thuận thì TP sẽ bắt đầu thực hiện ngay trong năm học này. Trước mắt sẽ có 2 phương án, một là thi theo đề thi do Bộ GD-ĐT quy định; hai là TP tự ra đề thi. Nếu TP tự ra đề thi, cơ cấu các môn thi có thể gồm các môn cơ bản như 2 môn Văn, Toán hoặc 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ và môn tự chọn. Đề thi cũng sẽ ra theo hướng giảm nhẹ, phù hợp với năng lực học tập thực tế của học sinh TP. Ngoài ra, ông Hoàng cũng giải thích thêm rằng nếu thực hiện theo phương án trên, TP sẽ làm việc với các trường ĐH về chủ trương này vì đa số các trường ĐH tập trung tại TPHCM. Nếu các trường ĐH muốn thêm một kỳ kiểm tra trình độ học sinh nữa thì có thể làm theo phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội, tức là có một bài khảo sát theo hướng đánh giá tư duy, năng lực học sinh.
Trong kết luận mới nhất, Bộ GD-ĐT đã thống nhất nhiều nội dung về đề án phát triển giáo dục theo đề xuất của TPHCM tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng GD-ĐT và Chủ tịch UBND TPHCM. Theo đó, bộ phân cấp cho TP tổ chức hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ GD-ĐT. Việc phân quyền này phải bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh. Trên tinh thần đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã đề ra nhiệm vụ của năm học mới là TP sẽ tự thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, xét tốt nghiệp THPT. Cụ thể, nhà trường và giáo viên chịu trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, còn Sở GD-ĐT TP sẽ tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp. Để thực hiện chủ trương mới này, sở cũng cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn. Song song đó, TP cũng đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế đối với từng loại hình trường học như trường chuyên, trường tiên tiến.
Trao đổi về chủ trương mới này, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, địa phương được chủ động công nhận tốt nghiệp THPT sẽ đánh giá sát và đúng năng lực, trình độ của học sinh TP. Với kinh nghiệm tổ chức thi cử nghiêm túc, bài bản, TPHCM sẽ làm tốt trọng trách mới này và xác định đúng năng lực, giá trị học vấn của học sinh TP. Hơn nữa, từ tác động của đổi mới thi cử sẽ kéo theo quá trình đổi mới dạy và học, phát huy tính linh hoạt, sáng tạo của giáo viên và từng trường. Bộ không nên lo lắng về tiêu cực có thể xảy ra vì việc phân cấp, phân quyền càng cụ thể thì trách nhiệm kiểm tra giám sát càng cao, đảm bảo độ tin cậy, nghiêm túc.
Khánh Bình